Biến "nguy" thành "cơ" sau COVID-19: Khi 97 triệu dân Việt là động lực tăng trưởng
EVN đã giảm gần 1.000 tỉ đồng tiền điện cho khách hàng / DIC Corp góp thêm 520 tỷ đồng vốn cho một đơn vị chuyên quản lý khách sạn
97 triệu dân Việt là động lực tăng trưởng
COVID-19 đang khiến cho việc xuất và nhập khẩu bị ảnh hưởng lớn, thậm chí có lúc bị ngừng truệ. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ có những rủi ro.
Trong khi thị trường trong nước đang có những "khoảng trống" để doanh nghiệp phát triển, nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường nội địa với 97 triệu dân hiện nay đang rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp nội nếu biết khai thác.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.
Theo thống kê, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng vẫn rất tiềm năng
Việt Nam với quy mô dân số 97 triệu người, trong đó có tới 60% là dân số trẻ, dự báo mức chi tiêu của các hộ gia đình tăng trung bình khoảng 10%/năm. Đây là thị trường đầy hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác.
Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh, dù nhu cầu tiêu dùng giảm nhưng vẫn rất tiềm năng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý 1/2020 dù có lúc bị giãn cách xã hội nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Thay đổi để phát triển
Thời gian qua đã nhiều doanh nghiệp đã không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng thay đổi phương thức kinh doanh, mẫu mã sản phẩm, để nhanh chân khai thác thị trường đầy hấp dẫn này.
"Trong 2 tháng vừa qua, chúng tôi đã mở thêm 19 cửa hàng mới để phục vụ tốt hơn cái nhu cầu mua sắm của người dân Việt Nam, qua đó cũng sẽ giúp cho các sản phẩm vốn là thế mạnh của chúng tôi có thể tiếp cận và lan tỏa hơn đối với thị trường nội địa", ông Nguyễn Thái Dũng - TGĐ Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro cho biết.
Còn trong lĩnh vực hàng không như Bamboo Airways, thay vì đi một mình, hãng này đã chọn cách bắt tay để cùng đi với các đối tác lữ hành, lưu trú để cung cấp các gói dịch vụ kích cầu.
"Chúng tôi liên kết với tất cả các công ty du lịch chẳng hạn như Viettravel, hoặc các đại lý vé máy bay đưa ra các chính sách giá phù hợp với các chặng bay du lịch từ TP.HCM đi Đà Lạt, Pleiku, Buôn Mê rồi từ Hà Nội đi Cam Ranh, Phú Quốc, Quy Nhơn", ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Bamboo Airways thay vì đi một mình, hãng này đã chọn cách bắt tay để cùng đi với các đối tác lữ hành, lưu trú để cung cấp các gói dịch vụ kích cầu
Tại lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng tìm tòi các phương thức kinh doanh mới để chinh phục thị trường nội địa.
"Dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi kinh doanh buôn bán của chúng tôi. Trước chúng tôi chỉ bán nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, bây giờ chúng tôi tập trung vào siêu thị và online. Nhờ tư duy như vậy nên việc kinh doanh của chúng tôi rất tốt. Doanh số bán hàng nội địa của chúng tôi đã tăng 25%", ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều ngành nghề khác cũng đã lên kế hoạch để chinh phục, tận dụng thị trường nội địa như du lịch,vật liệu xây dựng, gỗ, công nghiệp, thủy sản… Khi nguồn cung nhập khẩu bị hạn chế do COVID-19, thì đây sẽ là 1 khoảng trống tốt để giúp các doanh nghiệp Việt Nam lấp đầy khoảng trống này mà trước đây đã bị các nền kinh tế khác đang nắm giữ.
Giải pháp để doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa
Theo nhiều chuyên gia, đã qua rồi cái thời chỉ cần đủ ăn đủ mặc, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam cũng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, và tiện dụng. Đặc biệt là phải có nhiều sản phẩm phù hợp với từng nhóm khách hàng khác nhau.
Ngoài mẫu mã phù hợp và tiện dụng, thì giá cả sẽ luôn là một trong những điều mà người tiêu dùng cân nhắc có mua sản phẩm hay không. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm cách để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhưng giá thành lại phải hợp lý.
"Trong quá trình chi tiêu người ta phải tính toán nên đối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ thì làm sao phải giá cả phù hợp với túi tiền, khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu lớn sử dụng các sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, và tiện dụng
Như vậy, doanh nghiệp phải sản xuất phấn đấu nâng cao năng lực quản trị, hạ giá thành, đảm bảo chất lượng, hàng hóa có đủ xuất xứ. Doanh nghiệp bán lẻ thì phải tạo mọi điều kiện niêm yết giá đúng, không nâng giá trong bối cảnh hiện nay", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích.
Ngoài sự cố gắng từ các doanh nghiệp thì các gói kích cầu từ Chính phủ hay các cuộc phát động cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng để các doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa.
"Trước đây chúng ta có khẩu hiệu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thì bây giờ chúng ta có thể có động thái tương tự như doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phục vụ thị trường Việt Nam hay ưu tiên sử dụng sản phẩm đầu vào của Việt Nam.
Với sự cộng sinh của các doanh nghiệp Việt Nam, chắc chắn việc khai thác sử dụng hiệu quả thị trường nội địa gần 100 triệu dân của chúng ta sẽ là 1 thúc đẩy rất lớn cho tăng trưởng của chúng ta sau đại dịch", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo