Hỗ trợ doanh nghiệp

Các nước châu Á đối mặt với rủi ro bị rút vốn khi FED tăng lãi suất

DNVN - Dòng vốn đã bắt đầu rời khỏi thị trường các nước mới nổi châu Á khi mà đại dịch Covid-19 đang làm chậm đà phục hồi kinh tế, cùng lúc đó, nhà đầu tư đang tính đến khả năng Mỹ và châu Âu nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ.

Giải ngân vốn ODA mới đạt gần 3% / Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với ngành hàng không: Một số vấn đề đặt ra từ cuộc khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19

Theo Nikkei Asia, tại thị trường các nước mới nổi, nhà đầu tư ngoại bán ròng 500 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu trong tháng 5/2021. Như vậy đây là tháng bán ròng đầu tiên tính từ tháng 12/2020. Nếu không tính đến Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng từ sau cuộc khủng hoảng Covid-19, giá trị bán ròng có thể lên đến 10,8 tỷ USD.

Ngày 16/6, sau buổi họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, quan chức thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức phát đi thông điệp rõ ràng về 2 lần nâng lãi suất cơ bản đồng bạc xanh vào năm 2023. Trong bối cảnh này, chênh lệch về lãi suất có thể trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến biến động các dòng vốn giữa các khu vực trên thế giới.

Trước đó, trong tháng 5, thị trường chứng khoán Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc đều đã chứng kiến tình trạng rút vốn. Chỉ số chứng khoán Kuala Lumpur Composite Index của thị trường Malaysia và chỉ số chứng khoán PSE Composite Index của thị trường Philippines đang dao động ở ngưỡng thấp hơn so với mức đóng cửa năm 2020.

Triển vọng kinh tế u ám của những nước này cũng có thể là một nguyên nhân của việc vốn đầu tư suy giảm. Ở Malaysia, giới chức nước này đã kéo dài biện pháp phong tỏa đến cuối tháng, phần lớn doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động.

Thái Lan trong khi đó hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng, hạn chế khách nước ngoài nhập cảnh dù rằng Thủ tướng Thái Lan giờ đây đang đặt mục tiêu mở cửa lại đất nước trong 120 ngày. Tháng trước, Chính phủ Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống còn từ 1,5% đến 2,5%, dự báo được đưa ra trước đó là từ 2,5% đến 3,5%.

Nếu FED thông báo về chương trình thắt chặt thanh khoản trước thời điểm cuối năm nay, nhiều khả năng dòng vốn sẽ bị rút mạnh hơn khỏi nhóm các nền kinh tế mới nổi châu Á, nơi mà lãi suất đang ở mức khá thấp. Đồng tiền của nhóm nước mới nổi châu Á có thể tiếp tục xuống giá.

So với cuối năm 2020, phần lớn đồng nội tệ của các nước này, như đồng rupiah của Indonesia hay đồng bath Thái đã giảm giá so với USD. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến sự điều chỉnh tỷ giá này khi dòng vốn vẫn tiếp tục được chuyển sang các thị trường mới nổi khác bên ngoài châu Á.

"Thách thức lớn nhất của ngân hàng trung ương các nước chính là duy trì được tín nhiệm trong bối cảnh mối lo lạm phát tăng cao, không để tụt lại so với ngân hàng trung ương các nước phát triển và không để bị sốc bởi các chương trình siết chặt chính sách tiền tệ", ông Jonathan Fortunchuyên gia kinh tế thuộc IIF khẳng định.

Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore – ông Ravi Menon cảnh báo các nước mới nổi sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng tác động của đồng USD mạnh lên: “Theo nghiên cứu mới đây của MAS, cứ mỗi khi đồng USD tăng giá 1%, tăng trưởng dòng vốn rút ra lên tới 0,3% ngay trong quý tiếp theo sau đó”.

Đồng tiền của phần lớn các nước mới nổi châu Á ví như đồng rupiah hay đồng bath Thái đã yếu đi so với đồng USD. Đồng thời không loại bỏ khả năng các đồng tiền này sẽ còn giảm giá khi dòng vốn tiếp tục rời các thị trường mới nổi.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm