Hỗ trợ doanh nghiệp

Cải cách môi trường kinh doanh 2022-2025: Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp

DNVN - Nhấn mạnh về 9 nội dung trọng tâm cải cách môi trường kinh doanh giai đoạn 2022-2025 từ Nghị quyết số 02/NQ - CP, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, những trọng tâm này đã tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

Nghị quyết 02 - Phải quyết liệt để đạt mục tiêu / DN xi măng hưởng lợi từ Nghị quyết 02 của Chính phủ

Phát biểu tại Tại Hội nghị “Nghị quyết số 02/NĐ - CP: Thúc đẩy Phục hồi và Phát triển Kinh tế - Xã hội để thảo luận về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam hậu COVID-19", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho rằng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về cải cách thể chế.

Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...".

Như vậy, môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của quốc gia.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hà Anh).

“Tuy nhiên, ông Đông thừa nhận cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đưa ra các con số dẫn chứng đáng chú ý: Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); phát triển bền vững giảm điểm và giảm bạc (từ thứ 49 xuống 51); quyền tài sản giảm điểm và giảm bạc (từ thứ 78 xuống 84); cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).

“Đây chính là lý do nhiệm kỳ này, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP vào đầu năm mới 2022 thể hiện rõ thông điệp tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp”, ông Đông nói.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Nghị quyết 02 được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả nhiệm kỳ (đến năm 2025) và một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng với các giải pháp cụ thể hơn, phù hợp với các trọng tâm ưu tiên của từng năm.

Cụ thể, Nghị quyết lựa chọn 9 vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách cho giai đoạn 2022-2025.

Đó là cải thiện các yếu tố của môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.

Thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ với cải cách hành chính.

Đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

Chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Tạo lập thể chế khuyến khích đổi mới, sáng tạo.

“Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển”, ông Đông kỳ vọng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm