Căng thẳng Biển Đỏ chưa biết khi nào kết thúc, doanh nghiệp xuất khẩu như “cá nằm trên thớt”
Thêm dự án hàng không vũ trụ tại Đà Nẵng / Doanh nghiệp đổi mới cách thức xây dựng, thực thi chiến lược để 'tăng tốc'
Việt Nam chịu tác động lớn
Biển Đỏ là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 15 ngày so với trước.
Tại cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu do tỉnh hình Biển Đỏ ngày 6/2 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, những diễn biến mới nhất ở Biển Đỏ đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển thế giới cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với khu vực châu Âu là 71,14 tỷ USD, với khu vực Bắc Mỹ đạt 122,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2023.
“Do vậy, có thể thấy khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không hề nhỏ. Một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu”, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.
Doanh nghiệp xuất khẩu như “cá nằm trên thớt”
Ông Trương Văn Cẩm- Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam(VITAS) phản ánh, bình thường chưa có những tình huống đột xuất như hiện nay, các khách hàng đã yêu cầu giao hàng nhanh, và khi thời gian vận chuyển kéo dài từ 10 - 15 ngày dẫn đến thời gian sản xuất co hẹp lại, gây áp lực lên các DN sản xuất làm thế nào để giao hàng đúng hạn.
“Đáng lo ngại nhất hiện nay là việc không lường được khi nào thì kết thúc. Nếu cứ kéo dài thì các đơn hàng ký tiếp theo chắc chắn khách hàng sẽ đặt vấn đề chia sẻ chi phí do vận chuyển tăng thêm”, ông Cẩm bày tỏ.
Phó Chủ tịch VITAS đề nghị các hãng tàu cần minh bạch về các phụ phí tăng thêm nếu có, hoặc những thay đổi liên quan đến vấn đề chi phí. Cần thông tin sớm, kịp thời để DN có định hướng ứng phó.
Với lĩnh vực thuỷ sản, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có chung mối lo ngại rằng, chưa biết tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ còn kéo dài bao lâu.
Việc này tác động đến những đơn hàng của tương lai, hoặc những chi phí mà DN cần phải tính toán vào trong giá thành sản phẩm.
Tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, ông Nam cho biết, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, nhưng hàng đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần 4 lần.
Do đó, ông Nam mong muốn nhận được nhiều thông tin hơn. Đồng thời cho biết, điều các DN xuất khẩu và các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm nhất đó là sự chung tay, hỗ trợ, sự tham gia tích cực lúc này của các hãng tàu, một trong những mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong lĩnh vực nông sản, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam phản ánh, có DN đã xếp hàng lên tàu từ ngày 20/12/2023 nhưng đến ngày 5/1/2024, tức là sau 15 ngày sau khi hãng tàu đã chạy thì bị áp dụng phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet.
“Việc áp dụng phụ phí một cách tùy tiện, không báo trước, không qua đối thoại, thỏa thuận làm cho các nhà xuất khẩu nằm trên thế “cá nằm trên thớt””, bà Hoàng Thị Liên nói.
Theo bà Liên, việc ứng xử của các hãng tàu là không minh bạch, không công khai và không phù hợp.
Thậm chí, bà Liên còn cho biết, nếu phía DN không nộp phụ phí tăng thêm này thì họ gửi thêm bản áp phụ phí thanh toán trễ. Việc này càng làm cho các DN thêm bức xúc. Hiện, chi phí vận chuyển đối với mặt hàng này đi thị trường EU tăng 5 - 6 lần.
Do đó, hiệp hội này đề xuất phải có chế tài đối với các hãng tàu, không để các hãng tàu tự tung tự tác tăng phí hay áp phí.
Cũng đề cập đến việc tăng giá của các hãng tàu, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc các hãng vận tải do chi phí tăng lên, thời gian kéo dài hơn, quay vòng tàu lâu hơn nên tăng giá cước là bình thường. Tuy nhiên, tình trạng tăng giá, tăng phí vô tổ chức, không báo trước lại là vấn đề.
“Tăng giá có công bằng, công khai, minh bạch hay không? Đây là vấn đề các hãng tàu, DN logitstics… cần giải quyết. Trong đó, có vai trò của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi cho các DN yếu thế hơn trong chuỗi mắt xích xuất nhập khẩu này”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn đề xuất, bên cạnh việc công khai giá của các hãng tàu thì cần có cổng thông tin chung để các DN, hãng tàu công khai giá đến các DN.
Cam kết xử lý các hãng tàu vi phạm
Phản hồi về việc các hãng tàu áp dụng phụ thu, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 146, các hãng tàu phải niêm yết công khai giá cước cũng như vấn đề phụ thu trên trang thông tin điện tử của hãng tàu và thông báo cho khách hàng. Trong trường hợp thay đổi hoặc tăng thì phải thông báo trước 15 ngày.
Việc các hãng tàu thực hiện tăng ngay giá phụ thu mà không có thông báo, với bất kỳ trường hợp nào các hãng tàu áp dụng không đúng thì các DN gửi về Cục Hàng hải Việt Nam. Cục cam kết sẽ xử lý đúng các trường hợp mà các hãng tàu, DN vi phạm trong việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải đề nghị các hãng tàu trong bối cảnh như hiện nay cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để bảo đảm cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN Việt Nam. Thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước, phụ phí.
Xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua tác động của căng thẳng Biển Đỏ.
Với các hiệp hội, ngành hàng, ông Hải khuyến nghị tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, DN logistics để hỗ trợ, giúp cho DN xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả trong hoạt động thương mại quốc tế. Các DN xuất nhập khẩu cũng cần theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc