Cạnh tranh

Ba hướng liên kết nâng tầm doanh nghiệp

DNVN - Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy... các doanh nghiệp không tạo được vòng tuần hoàn chặt chẽ để liên kết, cung ứng, tối đa hóa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm.

Đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế với Việt Nam / Luẩn quẩn với bài toán chứng nhận Halal, doanh nghiệp mất cơ hội cạnh tranh

Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương), thực tế thời gian qua cho thấy các doanh nghiệp FDI thường có xu hướng hình thành chuỗi giá trị khép kín, ít lan tỏa sang khối doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp nội địa chủ yếu tham gia ở các khâu có giá trị gia tăng thấp. Điều này khiến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hoạt động đơn lẻ và chưa chủ động tham gia vào các quan hệ đối tác, liên kết. Trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy... các doanh nghiệp trong nước không tạo được vòng tuần hoàn chặt chẽ để cùng liên kết, cung ứng, chia sẻ và tối đa hóa đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, cùng nhau phát triển.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI chỉ đạt khoảng 300 trên tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó chủ yếu cung ứng hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản.

TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

Số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) giai đoạn 2018-2024 cho thấy, có trên 97% trả lời không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và 99% doanh nghiệp không có gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Một nghiên cứu của VCCI (2022) cũng cho thấy, một nửa doanh nghiệp khảo sát trả lời (53,3%) không đặt mục tiêu gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tức là thiếu định hướng rõ ràng.

Từ thực trạng này, TS Trần Thị Hồng Minh Ba nhấn mạnh ba hướng liên kết mà doanh nghiệp cần chú trọng.

Thứ nhất, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng thế mạnh bổ sung, đặc biệt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp lớn có thể “đỡ đầu” cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, đồng thời cùng lan tỏa các chuẩn mực quản trị, công nghệ, chất lượng. Việc xây dựng được các cụm liên kết ngành sẽ là tiền đề quan trọng cho phát triển bền vững.

Thứ hai, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Đây là liên kết rất quan trọng nhưng vẫn còn là điểm nghẽn trong suốt nhiều năm. Để cải thiện, cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh kết nối giữa hai khối thông qua cơ chế minh bạch, thuận lợi, cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước và các hiệp hội ngành hàng.

Thứ ba, liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu, đào tạo. Việc gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ giúp doanh nghiệp cập nhật công nghệ mà còn nâng cao năng lực nhân lực và đổi mới sáng tạo – yếu tố sống còn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Để thúc đẩy liên kết và phát triển chuỗi giá trị, từ góc độ nghiên cứu chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đề xuất, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi rõ ràng cho các mô hình liên kết hiệu quả, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến – chế tạo.

Cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu doanh nghiệp ngành nghề, kết nối cung – cầu, từ đó hình thành mạng lưới liên kết tin cậy giữa các bên.

Tăng cường vai trò trung gian của các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nhau và với thị trường quốc tế.

Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa các mô hình liên kết thành công, tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi tư duy, từ cạnh tranh đơn lẻ sang hợp tác cùng phát triển.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm