Nỗ lực cân bằng cán cân thương mại với Mỹ
Lập tổ phản ứng nhanh, lắng nghe doanh nghiệp khi Mỹ áp thuế lên hàng Việt / Đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế với Việt Nam
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện cán cân thương mại với Mỹ. Ngày 31/3, Chính phủ cũng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu như ô tô, cherry, táo, nho khô…, trong đó có nhiều sản phẩm xuất xứ Mỹ. Kế hoạch giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu là một phần quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Mỹ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước.
Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng nhiều lần gặp gỡ đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam – Mỹ (TIFA), Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA). Việt Nam cũng cần cụ thể hoá việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu trong nước.
Cùng với đó, Việt Nam cần tăng thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào những lĩnh vực, sản phẩm chiến lược mà họ có lợi thế và hai nước có nhu cầu. Việc này theo hướng tăng hàm lượng và tỷ lệ nguồn gốc thành phần Mỹ trong sản phẩm. Để lấy lại năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách chệnh lệch thuế của Việt Nam so với các nước. Cùng với đó, Việt Nam cần đa dạng hơn nữa thị trường xuất khẩu và nâng cao thị trường nội địa. Nhiều quốc gia đã tìm cách giữ tỷ trọng xuất khẩu ở mức hợp lý, đồng thời nâng thị trường trong nước trở thành một trụ cột của nền kinh tế.

Một trong các biện pháp Việt Nam có thể sử dụng là tăng nhập khẩu từ Mỹ, chẳng hạn các sản phẩm công nghệ. Chính phủ Việt Nam sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, năng lượng, thiết bị điện…
"Tuy nhiên, tiến trình đàm phán các hợp đồng này vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi. Việt Nam cũng cần tập trung gỡ vướng các quy định trong phát triển thị trường cho doanh nghiệp, địa phương. Ngoài ra, cần nghiên cứu kinh nghiệm chính sách kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan…", Cục Thống kê đánh giá.
Đoàn đàm phán Việt nam do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ. Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Đặc biệt Việt Nam mong muốn làm việc với các cơ quan liên quan của Mỹ để cụ thể hóa các nội dung trao đổi giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/4, qua đó tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế – thương mại ổn định, bền vững, vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Việt Nam và Mỹ đã nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.
Ngày 9/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả các đối tác thương mại không trả đũa Mỹ. Như vậy, cùng với hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại, Việt Nam sẽ được tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và áp dụng mức thuế 10% trong thời gian này để thực hiện các đàm phán tiếp theo.
Kết quả ban đầu này là tin vui và là kết quả đầu tiên sau những nỗ lực đàm phán, giúp Việt Nam giữ được nhiều lợi thế trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những chuyển hướng chiến lược quan trọng trong đàm phán thuế đối ứng, đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Hồi tháng 1/2025, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, đáp lại quan ngại liên quan tới thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn phát huy các lợi thế cạnh tranh, tăng cường nhập khẩu và hợp tác trong các lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng không, công nghệ cao…
Trên thực tế, ngày 9/4 vừa qua, Vietjet và AV AirFinance vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD. Vietjet đang hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn hàng đầu Mỹ tổng giá trị hợp đồng gần 50 tỷ USD, cùng các dự án đang đàm phán sâu trị giá khoảng 14 tỷ USD.
Cùng ngày, Vietnam Airlines và Ngân hàng Citi - một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ - đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về cam kết tài trợ vốn trị giá từ 560 triệu USD trở lên cho các dự án đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines cũng đang đặt mục tiêu khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà cung cấp máy bay, đàm phán ký kết hợp đồng mua máy bay trong nửa đầu năm 2025 để có thể lấy được lịch giao máy bay theo yêu cầu phát triển đội bay của hãng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo