Hỗ trợ doanh nghiệp

CEO Vinamit: Chi 2 tỷ mỗi tháng để giải thích về sản phẩm Organic

Ông chủ Vinamit đặt tham vọng 1.000 tỷ doanh thu từ Organic, chi 2 tỷ mỗi tháng cho chi phí ‘giải thích’.

Kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ việc trích trước lỗ tỷ giá của Vietnam Airlines / TTC Group đăng ký mua 16 triệu cổ phiếu SBT

Organic (thực phẩm hữu cơ) đang là xu hướng tiêu dùng của một bộ phận người dân quan tâm đến dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Sáng lập và điều hành Vinamit - ông Nguyễn Lâm Viên cho biết ngoài mảng sấy khô, công ty cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư cho thực phẩm hữu cơ và xem đây là 1 trong 4 lĩnh vực chính của doanh nghiệp.

Khó nhất là niềm tin người tiêu dùng

Bên lề hội thảo "Tìm kênh phân phối và thương hiệu cho nông nghiệp sạch" tổ chức sáng ngày 18/8, Tổng giám đốc của Vinamit đã có những chia sẻ về khó khăn trong việc kinh doanh thực phẩm chức năng.

Ông Nguyễn Lâm Viên - CEO Vinamit.

Theo đó, ông Viên khẳng định khó khăn nhất là niềm tin của người tiêu dùng và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm hữu cơ.

Thị trường Organic là thị trường ngách với khách hàng mục tiêu là những người coi trọng sức khỏe và có tài chính. Nhóm này chỉ chiếm khoảng 1% dân số, trong khi 70% không ngó tới và nhóm còn lại đang suy nghĩ.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nhóm 1% cũng không phải dễ dàng. CEO Vinamit cho biết doanh nghiệp phải chi đến 2 tỷ mỗi tháng cho nhân viên để giải thích thắc mắc và thay đổi quan điểm của khách hàng về sản phẩm Organic.

"Người dân hiện nay chưa mua sản phẩm bằng trí tuệ mà chỉ mua bằng mắt, bằng tay. Thực phẩm hữu cơ thường sẽ không có hình dáng và màu sắc đẹp như sản phẩm hóa chất, tuy nhiên chất lượng và hương vị tốt hơn nhiều, người ta ăn cái ruột chứ không phải cái vỏ", ông nói thêm.

Làm thương hiệu phải coi tham vọng là gì?

Chia sẻ về xây dựng thương hiệu nói chung và làm thương hiệu Organic nói riêng, ông Viên cho rằng nhìn chung có 5 bước.

Thứ nhất, phải hiểu được đặc điểm khách hàng. Làm organic thì phải thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm; khi đó số lượnt khách hàng sẽ không bó hẹp trong 1% dân số như hiện tại mà 90 triệu dân đều là khách hàng.

Thứ hai, phải hiểu được sản phẩm của mình. Sản phẩm phải có gì mới để khách hàng phải tự tìm đến mình.

Thứ ba, phải coi tham vọng của doanh nghiệp là gì? Đối với Vinamit là phải nuôi doanh số 1.000 tỷ đồng cho mảng này nên chấp nhận bán lỗ. Theo ông Viên, "nếu Vinamit muốn có lời sẽ có lời ngay" nhưng khó đạt tham vọng về doanh thu.

Thứ tư, phải xem thách thức đối mặt là gì? Trong mảng Organic đó chính là giáo dục nhận thức của người tiêu dùng.

Cuối cùng, phải xem đối thủ đang có bước đi như thế nào?

Phân phối trở lại Việt Nam

Việc xây dựng kế hoạch phân phối cho sản phẩm, CEO Vinamit chia sẻ công ty không ưu tiên chọn xây dựng cửa tiệm mà chọn các hình thức khác như shop in shop và phân phối trong các chuỗi siêu thị. Công ty đã bán hàng trong khoảng 20 siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra với khối lượng vào cuối tuần của mỗi địa điểm có thể đến 500kg.

Tuy nhiên, những ngày đầu tuần lại không có được khối lượng tốt. Trong khi doanh nghiệp không thể yêu cầu nông dân cung ứng ít đầu tuần và nhiều cuối tuần được. Do vậy, kênh phân phối online là giải pháp bổ sung thích hợp.

Đã từng nổi tiếng với những sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, nhưng ông Viên nói rằng doanh nghiệp đang chuyển ngược hướng về Việt Nam với việc đẩy mạnh thị trường nội địa nhất là mảng Organic này.

Mảng sấy khô vẫn là nòng cốt của Vinamit chiếm khoảng 90% doanh thu. Mảng Organic hiện chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng sẽ được đẩy mạnh đầu tư với các sản phẩm chủ lực như xoài, chuối,…với sản lượng khoảng 100.000 tấn sản phẩm.

Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo