Hỗ trợ doanh nghiệp

Chi phí đầu vào tăng cao, gần 50% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay

DNVN - Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về hoạt động doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024, phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Theo đó, 47% doanh nghiệp bày tỏ mong muốn lớn nhất của họ là giảm lãi suất cho vay...

Chuyên gia đưa ra khuyến nghị cho Đà Nẵng khi thí điểm khu thương mại tự do / 'Xanh hoá' doanh nghiệp mang nhiều lợi ích kinh tế, xã hội

Kết quả khảo sát nhanh trên 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng cục Thống kê cho thấy, 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024; 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Đáng chú ý, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra.

Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%. Riêng đối với doanh nghiệp xây dựng có 46,9% doanh nghiệp gặp khó khăn do “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn.


Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.

Vốn cho sản xuất kinh doanh là khó khăn được 21,2% doanh nghiệp lựa chọn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.

Về nguyên, nhiên, vật liệu, 18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.

Với thủ tục hành chính, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến yếu tố lao động, 10,5% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2024, theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, về lãi suất, để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp là giảm lãi suất cho vay với tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị là 47%.

Trong khi đó, 30,5% doanh nghiệp kiến nghị cần ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu. 35,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Về chính sách thuế, phí, lệ phí, 31,2% doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế, phí và các khoản nộp ngân sách nhà nước phù hợp.

29% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn. 28,6% doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Liên quan tới thị trường đầu ra, 27,7% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước. 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm