Lâm Đồng: Thuyền chở khách thưởng ngoạn hồ Tuyền Lâm nằm bờ, xã viên lo lắng
Lâm Đồng: Giảm tiền sử dụng nước hỗ trợ doanh nghiệp / Lâm Đồng: TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều việc phải làm
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hướng dẫn Ban Quản lý khu du lịch quốc gia (BQL KDLQG) hồ Tuyền Lâm các quy định, điều kiện về lập bến du lịch và cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để kinh doanh dịch vụ du lịch, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi tại khu vực hồ Tuyền Lâm, mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì tổ chức họp với các sở, ngành và đơn vị liên quan.
"Nồi cơm" của các xã viên HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm đang phải nằm bờ.
Căn cứ kết quả cuộc họp, để hoạt động thủy nội địa trên hồ Tuyền Lâm được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, Sở GTVT Lâm Đồng đã có văn bản hướng dẫn BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm và HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm.
Theo Sở GTVT Lâm Đồng, Luật Đường thủy nội địa và các nghị định liên quan quy định, để hoạt động đường thủy nội địa cần phải thực hiện: công bố luồng đường thủy nội địa và công bố bến thủy nội địa.
Trong đó, việc công bố luồng đường thủy nội địa, Sở GTVT thực hiện công tác khảo sát luồng và đề nghị UBND tỉnh công bố.
Việc còn lại, Sở GTVT Lâm Đồng đề nghị BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của công viên công cộng và dịch vụ trên mặt nước hồ Tuyền Lâm. Xây dựng đề án quản lý sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để làm cơ sở triển khai cấp phép bến du thuyền và đấu thầu dịch vụ khai thác mặt nước.
Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt để hoàn thiện quy hoạch chung hồ Tuyền Lâm và điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về các nội dung liên quan hoạt động thủy nội địa ở hồ Tuyền Lâm.
Sở GTVT Lâm Đồng cũng chỉ ra, theo quy định, để hoạt động vận tải thủy nội địa trên hồ Tuyền Lâm phải xây dựng các bến khách ngang sông. Trong khi đó, UBND cấp huyện là cơ quan thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông, bến thủy nội địa phục vụ thi công công trình chính trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
“Do đó, chủ đầu tư cần liên hệ trực tiếp UBND TP Đà Lạt để được hướng dẫn chi tiết về việc thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến thủy nội địa”, văn bản hướng dẫn của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Thuyền du lịch nằm bờ, xã viên lo lắng
Đầu những năm 1990, do nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn hồ Tuyền Lâm của khách du lịch, người dân sinh sống quanh hồ đã nâng cấp phương tiện tàu xuồng đi lại hằng ngày để đưa, đón khách và từng bước hình thành đội thuyền phục vụ du khách.
Năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm với 56 thành viên, 57 phương tiện vận chuyển hành khách... Từ đó, dịch vụ đi thuyền tham quan, trải nghiệm trên mặt hồ KDLQG hồ Tuyền Lâm đã trở thành sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, thú vị, chuyên nghiệp. Góp phần quảng bá hình ảnh khu du lịch quốc gia nổi tiếng của Đà Lạt với du khách trong nước và quốc tế.
Xã viên HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm mong ngóng từng ngày được trở lại phục vụ du khách ngắm cảnh đẹp hồ Tuyền Lâm.
Theo đại diện HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm, khi tham gia vào HTX, thuyền của các xã viên đều được đăng ký hành chính, đăng kiểm và được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đủ điều điều kiện an toàn để hoạt động.
Các thuyền viên đều có chứng chỉ chuyên môn để điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, được tập huấn nghiệp vụ du lịch, được phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ. Trên mỗi thuyền đều có trang bị áo phao, phao cứu sinh đầy đủ theo quy định. Trong quá trình hoạt động luôn bảo đảm an toàn cho du khách, không để xảy ra bất kỳ một sự việc đáng tiếc nào.
Tuy nhiên, tháng 4/2024, BQL KDLQG hồ Tuyền Lâm thông báo yêu cầu HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm phải chấm dứt hoạt động vì chưa có đề án và cơ chế về loại hình cho thuê mặt nước.
“Việc dừng hoạt động đột ngột như thế này đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của gia đình các thuyền viên. Đồng thời có nguy cơ mất đi một sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo phục vụ du khách khi đến Đà Lạt”, đại diện HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm cho hay.
Cũng theo đại diện HTX, theo hướng dẫn của ngành chức năng, việc tháo gỡ các vướng mắc để được hoạt động trở lại có rất nhiều việc phải làm, không thể giải quyết xong trong một sớm một chiều. Trong thời gian chờ đợi kéo dài, thuyền không được vận hành sẽ bị hư hại. Cuộc sống gia đình các xã viên với hàng trăm nhân khẩu bị đảo lộn và rơi vào cảnh bế tắc.
“Điều mong mỏi lớn nhất của các xã viên lúc này là được lãnh đạo địa phương, ngành chức năng quan tâm, xem xét sớm tháo gỡ vướng mắc hoặc có cơ chế tạm thời cho chúng tôi được hoạt động trở lại phục vụ du khách tham quan, thưởng ngoạn KDLQG hồ Tuyên Lâm, để ổn định cuộc sống”, đại diện HTX Dịch vụ du thuyền Tuyền Lâm chia sẻ.
Không được lạnh lùng trước những khó khăn của doanh nghiệp Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, tại buổi gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp vừa diễn ra tại Đà Lạt, với sự tham gia đầy đủ lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Thái Học, đằng sau sự phát triển của bất kỳ địa phương nào cũng có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp cường thịnh thì Lâm Đồng phát triển. Do đó, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng đề nghị cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ngành chức năng và các chủ đầu tư để tháo gỡ các vướng mắc, không được lạnh lùng trước những khó khăn của doanh nghiệp. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo