Hỗ trợ doanh nghiệp

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Đối sách nào cho doanh nghiệp Việt?

DNVN - Doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp trong nước đưa hàng vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam như vụ thép và nhôm.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Đó là nhận định của ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng, lo của doanh nghiệp Việt?” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên.

Diễn biến mới nhất, Mỹ đã áp mức thế 15% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tăng từ con số 10% trước đó. Đây là đòn thuế mới nhằm vào khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận thì theo tuyên bố Mỹ sẽ đánh thuế tiếp vào ngày 15/12.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo.

Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng thuế quan từ 5 – 10% nhằm vào 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đến các sản phẩm nhạy cảm với ngành nông nghiệp.

Mặt khác, để giảm thiểu tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đã giảm bớt dự trữ bắt buộc và bơm tiền ra cho thị trường nhằm hạ giá đồng Nhân dân tệ.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, chưa một loại thuế nào được xóa bỏ hay giảm, ngoài ra tất cả những lời đe dọa của hai bên từng đưa ra đều trở thành sự thật sau đó. Điều này tạo ra một thế giới rất rủi ro đối với môi trường kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, trong tương lai gần nếu trường hợp chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng ra toàn bộ kim ngạch song phương giữa Trung Quốc và Mỹ thì tác động tới kinh tế Việt Nam trở nên khá lớn, nhưng theo hướng có lợi cho Việt Nam bởi nước ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa từng bớt gay gắt.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa từng bớt gay gắt.

Tuy vậy, ông Tuyển cho rằng, điều quan ngại là đồng Nhân dân tệ giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ là thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc.

"Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và USD Mỹ. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định nền kinh tế", ông Tuyển cho hay.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. Đây là điều rất nguy hiểm, tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam (như vụ thép và nhôm).

Trước câu hỏi trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang ngày càng có nhiều diễn biến mới, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn.

"Theo đó, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ, châu Âu. Đồng thời, Việt Nam phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt", ông Trương Đình Tuyển nói.

Cần hoàn thiện khoảng trống pháp lý

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nếu nhìn tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019, có thể thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

 

Trong nhiều nhóm hàng mà hàng Việt Nam có ưu thế (như quần áo, đồ gỗ), doanh nghiệp FDI đang lấn sân và giành nhiều đơn hàng xuất khẩu trong vòng một năm qua.

Doanh nghiệp Việt cần mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp Việt cần mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Còn với doanh nghiệp trong nước, kiểm nghiệm với các nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hóa chất và nhựa, gỗ giấy, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử cho thấy hàng xuất khẩu Việt Nam bị hạn chế bởi thị phần quá nhỏ và không có thế mạnh ở các sản phẩm mà Trung Quốc bị áp thuế.

 

Vì thế, doanh nghiệp trong nước của Việt Nam hầu như chỉ tận dụng lợi thế rất hạn chế của các mức thuế quan áp bổ sung lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc.

Vì vậy, theo TS. Phạm Sỹ Thành, cái được của Việt Nam từ thương chiến là cơ hội để hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý. Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này đề hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa.

Sau đó, Việt Nam nên nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm