Chính sách đột phá, ‘bệ phóng’ cho doanh nghiệp lớn phát triển ngành mũi nhọn
Cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp sau bão lũ / Đổi mới sáng tạo: Chính sách nhiều nhưng trống vắng giải pháp cụ thể
Chỉ có 2% doanh nghiệp lớn
Theo báo cáo tình hình đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, mặc dù Việt Nam đã có trên 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành và nền kinh tế nói chung.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có tiềm lực cạnh tranh khu vực và quốc tế. Nghị quyết 41-NQ/TW nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia. Đồng thời, Nghị quyết 66/NQ-CP yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2024.
VCCI cho biết, hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH...
"Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Yêu cầu đặt ra là cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam", VCCI nêu.
Cần chính sách hỗ trợ đặc thù, đột phá
Tại cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam do Thường trực Chính phủ chủ trì ngày 4/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, đa phần các doanh nghiệp lớn của Việt Nam hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước.
Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Theo Chủ tịch VINASME, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia...
Chia sẻ về những thách thức trong việc đầu tư ra nước ngoài, Thiếu tướng Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cũng cho rằng Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp lớn khi tham gia vào thị trường quốc tế. Ông Thắng nhấn mạnh, dù Viettel đã đầu tư thành công tại 13 quốc gia với tổng số vốn 1,5 tỷ USD, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ và xung đột chính trị. "Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt tại những nước chưa có sứ quán hoặc chưa ký hiệp định bảo hộ đầu tư," ông Thắng bày tỏ.
Trước đó, ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sovico Group, bày tỏ kỳ vọng vào sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc xây dựng các quy định, cơ chế pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển thành các tập đoàn kinh tế quốc gia, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giáo dục, đào tạo nghề, và tăng năng suất lao động. Đặc biệt, Sovico mong muốn được tạo điều kiện để phát triển đội ngũ nhân lực hàng không, góp phần xây dựng một đội máy bay Việt Nam mạnh mẽ, cạnh tranh khu vực.
Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings, cũng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới hiện đại, nơi Việt Nam có thể dần làm chủ công nghệ và phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Ông đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, và đất đai để thu hút đầu tư chiến lược, tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, và luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng cũng khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời sẽ nghiên cứu bãi bỏ các quy định không còn phù hợp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp lớn tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, và phát triển chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp cần đi đầu trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, và xây dựng môi trường kinh doanh bền vững, không chỉ cho riêng mình mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các lĩnh vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo