Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính sách ‘mềm’ giúp doanh nghiệp vượt bão dịch

Nghị quyết 128/NQ-CP thực thi trong 3 tháng qua được ghi nhận là chính sách “mềm” giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu những ngành hàng chủ lực (như thuỷ sản, dệt may) vượt “bão dịch” của năm 2021 cũng như mở ra những triển vọng tích cực, nhiều cửa sáng cho năm 2022.

Công ty TNHH Thành Minh MTC: Thành công nhờ liên tục đổi mới sáng tạo / Vinamilk trở thành đối tác đồng hành của khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Vào những ngày cuối cùng của năm 2021 đầy “bão táp” bởi đại dịch COVID-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để cảm ơn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kịp thời Nghị quyết 128.

Thuỷ sản, dệt may “thắng” nhờ Nghị quyết 128

Theo Vasep, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 kịp thời giúp xuất khẩu (XK) thuỷ sản đang đà lao dốc đã đảo chiều nhanh chóng, hồi phục và bứt phá trong các tháng 10, 11, 12 của năm 2021. Qua đó đưa kết quả XK cả năm nay cán đích trên 8,8 tỷ USD như dự báo ban đầu, tăng 5% so với năm 2020.

HINH-6845-1640599632.jpg

Nghị quyết 128/CP-NQ thực thi trong gần 3 tháng qua đã giúp ngành dệt may vượt qua “bão dịch” năm 2021.

Thành quả XK này rất ý nghĩa khi khủng hoảng làn sóng COVID-19 thứ 4 ở 19 tỉnh/thành phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long với các quy định chống dịch chặt chẽ làm cho sản xuất, lưu thông, XK ngưng trệ, khiến cho các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản hoang mang về kế hoạch sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Đặc biệt là ở giai đoạn “đỉnh dịch”, XK liên tục sụt giảm 24 -27% trong tháng 8 và tháng 9, khiến cho ngành thuỷ sản lo ngại khó đạt mục tiêu XK 8,8 tỷ USD.

Riêng ở cấp độ địa phương có liên quan đến ngành thuỷ sản, thông tin mới đây cho thấy tỉnh Sóc Trăng được ghi nhận là địa phương đầu tiên có XK tôm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm 2021, dù đối mặt nhiều khó khăn do “bão” COVID-19 gây ra.

Điểm sáng XK ở địa phương này vừa cho thấy sự nỗ lực của phía DN trong mảng chế biến tôm (đơn cử như CTCP thực phẩm Sao Ta, CTCP Thủy sản sạch Việt Nam, CTCP Thủy sản Sóc Trăng..),vừa thể hiện tính hiệu quả của các cấp quản lý trong việc linh động chính sách phòng chống dịch COVID-19 nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến mùa vụ nuôi tôm năm 2021.

Và tiếp đà thành công trong năm 2021, để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 tiếp tục đạt kết quả tốt, như lưu ý của ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ở những địa phương nuôi tôm trong tỉnh cần xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt sản xuất trong tình hình dịch COVID-19, quản lý chặt 3 yếu tố: đầu vào, tổ chức sản xuất và liên kết đầu ra sản phẩm.

Hoặc như với XK dệt may, nhìn lại năm 2021 được ghi nhận là năm vượt dịch đầy cảm xúc với kim ngạch XK ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020. Nhờ đó đã giúp cho Việt Nam giữ được vị trí trong top 3 các nước XK dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

 

Có được kết quả khả quan như vậy trong một năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhờ Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành, sản xuất của DN mới bắt đầu hồi phục, đã có thể “trả nợ” các đơn hàng trong quý IV/2021.

Mở ra nhiều cửa sáng cho năm 2022

Còn trước đó, XK dệt may ở giai đoạn “đỉnh dịch” trong các tháng 7, 8,9 của năm 2021 liên tục giảm, đơn hàng không thể trả cho đối tác. Còn trước đó nữa, trong quý II/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía Bắc và bùng phát ở Tp.HCM, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của các DN dệt may gần như "đóng băng".

Nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng được ghi nhận khởi sắc trở lại sau khi có Nghị quyết 128/NQ-CP. Giới phân tích đánh giá Nghị quyết này được ban hành kịp thời đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh và XK khởi sắc trở lại trong quý cuối cùng của năm 2021.

Qua đó để thấy chính sách “mềm” là rất quan trọng để vừa khơi thông dòng chảy sản xuất kinh doanh và XK cho DN, cũng như vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, thay cho chính sách “cứng” gây ra không ít hệ luỵ.

 

Điều này được ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), nêu rõ khi nhìn lại năm 2021. Cụ thể, tình hình trở nên xấu hơn khi bước sang quý III/2021, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn với biến thể Delta và Chính phủ buộc phải đưa ra những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt hơn theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.

Ông Hiến cho biết, là một trong những ngành kinh tế quan trọng, ngành lương thực thực phẩm cũng chịu những tác động không nhỏ, cho thấy bức tranh kinh tế của ngành cũng đã “nhuốm màu” COVID-19.

Phó chủ tịch FFA dẫn lại phản ánh của DN thì khó khăn lớn nhất mà ngành này đã phải đối mặt là vấn đề liên quan đến logistics và phân phối khi mà một số vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là có thời điểm đứt gãy nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng…

“Một số biện pháp như mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hay cơ chế “luồng xanh” tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa”, ông Hiến nói.

Còn hiện tại, so với chính sách “cứng” trước đó, sau 3 tháng thực hiện chính sách “mềm” là Nghị quyết 128/CP-NQ, rõ ràng tình hình DN đã khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Theo ông Hiến, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi khá tốt trong trạng thái bình thường mới, và mở ra những triển vọng khá tích cực, nhiều cửa sáng cho sản xuất kinh doanh và XK trong năm 2022.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm