Chủ động tham gia nhận quyền thương mại
Thương hiệu đồng hồ Hublot mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam / Bên trong hệ thống chuỗi Coca-Cola vừa chi 5,1 tỷ USD để mua về
PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, tại thị trường Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại rất sôi động nhưng chỉ tập trung vào một số nhóm ngành hàng, sản phẩm phổ biến, điển hình là lĩnh vực ăn uống.
KFC điển hình của nhượng quyền thương mại |
Một vài năm trở lại đây, nhượng quyền thương mại mới mở rộng ra một số nhóm ngành hàng khác như giáo dục, cung cấp các dịch vụ kế toán, dịch vụ logistics, một vài mô hình bán lẻ... Còn những lĩnh vực khác hoạt động nhượng quyền thương mại ít diễn ra hơn.
Điều này cũng là dễ hiểu khi đến nay, nhiều DN trong nước chưa có kiến thức thực sự về nhượng quyền thương mại. Để tổ chức hoạt động nhượng quyền, DN thường nhờ đến các cá nhân, tổ chức có tín nhiệm như công ty tư vấn luật. Nhiều DN chưa hiểu về bản chất của nhượng quyền nên triển khai các hoạt động nhượng quyền ồ ạt, thiếu kiểm soát, làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
Một số DN khác còn dễ dãi trong nhượng quyền nên hệ thống có thể bị mất kiểm soát, sụt giảm uy tín thương hiệu. Trong khi đó, bản thân bên nhận quyền cũng không có kiến thức đầy đủ. Khi được nhượng quyền, bên nhận quyền không tuân thủ các điều khoản quy định trong hợp đồng, thực hiện không đúng quy trình, chuẩn mực, cách thức, mô hình kinh doanh cũng như văn hóa giao tiếp… Thậm chí, bên nhận quyền còn làm sai lệch, làm sản phẩm chất lượng thấp với giá rẻ hơn. Nhiều cửa hàng nhượng quyền một thời gian ngắn đã không thể tiếp tục duy trì. Điều này gây thiệt hại cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền, cũng như cho cả nền kinh tế.
Trong khi hiểu biết về nhượng quyền thương mại của các DN trong nước còn khá mù mờ thì khối DN ngoại đi nhượng quyền lại rất thành công. DN ngoại vào Việt Nam nhượng quyền đòi hỏi rất khắt khe với bên nhận quyền, từ không gian kinh doanh, khoảng cách địa điểm nhượng quyền, đặc điểm địa lý, vị trí địa lý đến công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất... Các DN nước ngoài khi quyết định đến Việt Nam nhượng quyền đều có hệ thống chuyên gia sành sỏi để cân nhắc kỹ lưỡng và kiểm soát tốt các rủi ro.
Song điểm tích cực là trong hoạt động nhượng quyền thương mại, DN Việt Nam chủ yếu tham gia vai trò nhận quyền. Điều quan trọng nhất của đơn vị nhận quyền là phải thông qua quá trình nhận quyền để học tập kỹ năng quản lý, kinh doanh, nắm bắt được những bí quyết, bí mật trong hoạt động kinh doanh với nhóm ngành hàng, từ đó dần phát triển hệ thống của riêng mình.
Trên thực tế, Chính phủ cũng muốn thông qua hoạt động nhượng quyền thương mại để đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thêm kỹ năng, kiến thức kinh doanh. Chính vì vậy đến nay, nhiều DN nhận quyền của Việt Nam đã thực hiện nhận quyền khá tốt, điển hình như các hệ thống BBQ, KFC, Lotteria…
PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, việc hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là tham gia nhiều FTA chắc chắn sẽ làm cho hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam sôi động, thuận lợi hơn. Các FTA đều bàn đến mở cửa thị trường. Điểm quan trọng nhất trong các FTA thế hệ mới là đều bàn đến quyền kinh doanh. Cam kết trong các FTA cho phép các thương nhân nước ngoài đến Việt Nam dễ dàng hơn, tổ chức kinh doanh thuận lợi hơn. Thậm chí, DN ngoại có thể mang theo cả nhân lực từ quốc gia của họ sang Việt Nam.
Vì vậy để có thể tận dụng, khai thác tốt hơn những cơ hội từ hoạt động nhượng quyền thương mại trong thời gian tới, việc cần thiết đầu tiên là phải làm sao để đội ngũ doanh nhân Việt hiểu hơn về nhượng quyền thương mại. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp thông tin nhiều hơn. Những quy định, văn bản pháp luật có liên quan cần làm tốt hơn khâu tuyên truyền, phổ biến, thông qua các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, hội thảo, diễn đàn...
“Không phải ngành nào cũng quan tâm đến nhượng quyền thương mại và không phải ngành nào cũng có thể tiến hành nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, từ góc độ hiệp hội, ngành hàng, ngoài tiếng nói của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội cũng cần đẩy mạnh khâu phổ biến, cung cấp thông tin đến DN hội viên giúp DN hiểu hơn về nhượng quyền thương mại. Song yếu tố quan trọng nhất là sự chủ động của DN. Bản thân DN phải tự tìm hiểu để nắm vững về nhượng quyền thương mại, từ đó tận dụng tốt nhất các cơ hội mở ra”, PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo