Chủ tịch VINASME: Nguyên tắc “bảo toàn vốn” là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia
Những lưu ý giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng giữa đại dịch COVID-19 / Tháo gỡ những vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Đối với Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015. Sau 3 năm hoạt động (2015-2017) Quỹ đã phải tạm dừng các hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp từ đầu năm 2018 để xây dựng Điều lệ mới về tổ chức cũng như các hoạt động của Quỹ cho phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Sau 5 năm (2015-2020) triển khai, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất.
Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào: Nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến,…); Công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu,..); Y - dược (sản xuất vắc-xin, dược liệu, điều trị bệnh,…).
Thông qua các nhiệm vụ tài trợ, đã huy động được 782 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Với các các nhiệm vụ đang xem xét đề xuất, dự kiến huy động được 4.083 tỷ đồng từ doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ tham gia. Doanh thu của các doanh nghiệp hàng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn NSNN tài trợ). Theo cả chu kỳ công nghệ (5 - 7 năm), doanh thu, lợi nhuận, thuế nộp ngân sách sẽ lớn gấp nhiều lần phần NSNN tài trợ. Đổi mới, cải tiến và phát triển gần 50 công nghệ, giải pháp, dây chuyền và thiết bị được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”, trước những kết quả mà Quỹ đạt được, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam (VINASME) đã đưa ra một số vấn đề còn tồn tại của Quỹ và một số đề xuất cụ thể để Quỹ có thể tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.
Ông Thân cho rằng, điểm quan trọng nhất có thể gây ra tâm lý “nặng nề” và kìm hãm sự phát triển của Quỹ nói chung và các hoạt động của Quỹ nói riêng là nguyên tắc “bảo toàn vốn” tại khoản 3 Điều 2 của Quyết định này.Có thể nói, các đối tượng được hưởng ưu đãi của Quỹ phần lớn là “lành tính” hơn so với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, vì các doanh nghiệp này chủ yếu thực hiện công tác chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Ngoài ra, một phần trong số họ cũng là các doanh nghiệp đạt giải thưởng trong chương trình, cuộc thi quốc gia.
"Do đó, chúng tôi kiến nghị Quỹ cần có góc nhìn cởi mở và thực tế để đẩy mạnh công tác cho vay và bảo lãnh vay đối với các doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi", ông Thân nói.
Cũng theo ông Thân, để đạt được mục tiêu Quỹ tiếp nhận ít nhất 1000 tỷ đồng đến cuối năm 2025 thì việc kêu gọi nguồn lực xã hội và viện trợ từ nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì cần phải có sự “bứt phá”, “khác lạ” và đâu đó có tính “mạo hiểm” trong hoạt động của Quỹ. Vậy, trong khuôn khổ tỷ lệ % rủi ro mà Quỹ có thể chấp nhận được thì các hoạt động nằm trong khuôn khổ đó phải làm sao mang tính “hấp dẫn” đối với xã hội và với các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân nước ngoài.
Và để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của Quỹ thì các thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa hơn nữa, cụ thể như các thủ tục, hồ sơ mà ngân hàng đã thẩm định thì Quỹ không cần thẩm định lại vì trách nhiệm đã được phân định rõ ràng. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Quỹ và Ngân hàng cũng phải thật sự “nhuần nhuyễn” và thống nhất để tránh trường hợp vì sự chênh lệch trong tư duy, trình độ, năng lực của hai bên khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ.
"Tóm lại, để Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia phát triển bứt phá trong nhiệm kỳ tới, tôi xin đưa ra một quan điểm hoạt động mà Hiệp hội DNNVV Việt Nam đang hướng tới, đó là: “Đổi mới, cầu thị, hợp tác và thành công”, ông Thân nhấn mạnh. Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng khẳng định sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Quỹ Đổi mới gia thực hiện thành công các nhiệm vụ đã đề ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo