Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính sách không thể “sáng nắng chiều mưa”, hàng rào kỹ thuật mỗi nơi một khác

DNVN – Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, phải làm sao để doanh nghiệp du lịch đảm bảo phục hồi, chính sách không có sự “quay xe”, có sự đồng bộ và thông suốt giữa các chính quyền địa phương thì du lịch mới hoạt động được. Nếu chính sách thay đổi liên tục, hàng rào kỹ thuật mỗi nơi một khác thì du lịch không thể phục hồi.

Đề nghị ngừng thực hiện đề án di dời khu công nghiệp Đà Nẵng / Doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa sản phẩm bằng công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu

Chính sách cần có sự nhất quán giữa các địa phương

Tại Diễn đàn “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” vào ngày 30/11/2021, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings đã kiến nghị một loạt giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch hồi phục.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong thời gian qua có rất nhiều giải pháp, chính sách được đưa ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng các giải pháp còn thiếu căn cơ và chưa chạm được đến khó khăn thực tế của doanh nghiệp.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: “Quan trọng nhất là phải làm rõ được quan điểm Chính phủ đối với vấn đề chống dịch, phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương tới địa phương thì mới có thể đảm bảo triển khai hỗ trợ đúng với nhu cầu thực tế được, chính sách mới có hiệu quả thực chất được”.

Cũng theo ông Kỳ, Nghị quyết 128 hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi vẫn không có 1 kế hoạch của Chính phủ để đảm bảo Nghị quyết được triển khai một cách đồng bộ giữa các địa phương, thì rất khó cho doanh nghiệp thực hiện. Trung ương dứt khoát sống chung với COVID-19 nhưng nhiều địa phương vẫn quan điểm Zero COVID-19. Chính sách của Trung ương quy định rất rõ rồi, nhưng khi đến nhiều địa phương lại “quay xe”, khiến cho chính sách áp dụng cho doanh nghiệp dường như bị vô hiệu ở nhiều nơi.

Do đó ông Kỳ đề nghị, chính sách cần nhất quán lâu dài, trên cơ sở đó doanh nghiệp mới xây dựng kế hoạch dài hơi được, chính sách không thể “sáng nắng chiều mưa”, vừa ban hành ra xong hôm sau lại thay đổi. Chính phủ cần có chiến lược, sách lược chống dịch trong thời gian dài để doanh nghiệp có thể xây dựng chính sách đồng bộ, giữa các địa phương, giữa ngành nghề trên toàn quốc. Triển khai Nghị quyết 128 có nhiều hàng rào kỹ thuật được các địa phương dựng lên, du lịch khó phát triển.

Du khách Hàn Quốc trở lại Phú Quốc vào ngày 20/11/2021.

Du khách Hàn Quốc trở lại Phú Quốc vào ngày 20/11/2021. Ảnh: Tổng cục Du lịch

Cần đảm bảo không có sự "quay xe" về chính sách

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp của nhiều ngành nghề. Hiện du lịch đã mở cửa được thị trường, nhưng chỉ thị trường nước ngoài thì rất hẹp vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng khách quốc tế tới nước ta còn nhỏ giọt. Do đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần tập trung lực lượng để mở cửa từng thị trường, tập trung vào “diện và điểm”. “Diện” là khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, “điểm” là các nước thích hợp với “bong bóng du lịch”.

Theo đó, để kích cầu du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam cần có giải pháp kết nối với hành lang du lịch ASEAN để phát triển các tour du lịch khép kín. Đối với thị trường Đông Bắc Á, trước hết cần tập trung vào hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, đề nghị nhanh chóng có cơ chế kết nối khách từ hai thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc thì còn lâu mới hồi phục, khách Nga đã qua thị trường mùa đông rồi, nên chỉ chờ mùa đông năm sau.

 

Trước mắt cần dùng du lịch nội địa để đỡ cho du lịch quốc tế. Thị trường trong nước có hai điểm nguồn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch phía Bắc có nhiều cơ hội hơn, mặc dù hai thị trường nguồn bị tổn thương nặng, nhưng TP Hồ Chí Minh bị tổn thương nặng hơn nên khả năng phục hồi chậm hơn, nên tập trung phục hồi thị trường Hà Nội trước.

Tổng cục Du lịch cần chủ động cùng với Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy giao thông vận chuyển tăng tần suất kết nối giữa các địa phương để sớm đưa khách đi được.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ,

Ông Nguyễn Quốc Kỳ,Chủ tịch Tập đoàn Vietravel Holdings phát biểu tại Hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 30/11/2021.

Ông Kỳ cũng kiến nghị, Quốc hội cần xem xét áp dụng chính sách giảm 5% thuế VAT trong 2 năm hết năm 2023, giảm thuế đánh vào người tiêu dùng để kích thích tiêu dùng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đa số các doanh nghiệp lỗ, bản chất là không có doanh thu, nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22% xuống 17%, để nếu doanh nghiệp vượt qua được còn tích lũy. Đồng thời xem xét giảm lãi vay, nhất là đối với bất động sản du lịch, cần dùng chính sách trợ giúp lãi suất cho doanh nghiệp, giảm lãi suất xuống còn từ 3-5% giúp doanh nghiệp phục hồi lại sản xuất. Thời gian giảm ít nhất hết năm 2023, bởi du lịch không thể sớm quay lại một sớm một chiều.

 

Đối với chính sách hỗ trợ người lao động trong dịch bệnh nên hỗ trợ thông qua doanh nghiệp là đơn vị đang nộp thuế và trả lương cho người lao động, tránh tình trạng bị trùng khi hỗ trợ qua chính quyền.

“Phải làm sao để doanh nghiệp du lịch đảm bảo được phục hồi, chính sách không có sự “quay xe”, có sự đồng bộ và thông suốt giữa các chính quyền dịa phương thì du lịch mới hoạt động được. Nếu chính sách thay đổi liên tục, hàng rào kỹ thuật mỗi nơi một khác thì du lịch không thể hoạt động được”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm