Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch Vinatex: Chính sách chống dịch nhiều bất cập, cần có giải pháp để doanh nghiệp sống chung với đại dịch

DNVN - Theo Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường, không lâu nữa thì doanh nghiệp ngành dệt may cũng như da giày, thuỷ sản sẽ không thể áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” được. Do đó, về lâu dài rất cần Chính phủ có phương án tính toán kỹ lưỡng để tất cả các doanh nghiệp sống chung với đại dịch, phát triển sản xuất.

Vinamilk tiếp sức tuyến đầu trong giai đoạn cao điểm chống dịch tại 50 bệnh viện trên cả nước / Kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản tại Nam Bộ

Áp lực tài chính khi thực hiện “3 tại chỗ”

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, cũng như ngành da giày hay thuỷ sản, dệt may cũng là ngành có số lượng lao động rất lớn. Thực tế với mật độ lao động của ngành đông như hiện nên việc tổ chức theo mô hình “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến” thì không thể duy trì lâu dài được.

Theo ông Trường, các doanh nghiệp đang áp dụng 2 giải pháp này đang chịu áp lực rất lớn về tài chính. Riêng trong tập đoàn dệt may, khi áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí đã tăng thêm 2,2 lần so với bình thường. Trong đó, tiền lương của người lao động vẫn giữ như cũ, cộng thêm 70% lương trợ cấp tương đương khoảng 200.000 đồng/ngày, ngoài ra còn thêm những khoản phát sinh buộc phải chi trả như phí xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ, phí duy trì ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động.

“Như vậy, nếu áp dụng “3 tại chỗ” cho ngành dệt may của tập đoàn thì chi phí lương cho một người lao động lên đến 20 triệu đồng, trong khi lương bình quân trước thời điểm dịch chỉ rơi vào khoảng 8,5 triệu đồng. Đây chính là thách thức khiến doanh nghiệp khó chịu đựng được lâu dài” ông Trường phân tích.

Thu nhập của người lao động "3 tại chỗ" đã tăng 2,2 lần, từ 8,5 triệu đồng lên 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khoảng 3 - 4 tuần ít ai trụ được.

Thu nhập của người lao động "3 tại chỗ" đã tăng 2,2 lần, từ 8,5 triệu đồng lên 20 triệu đồng so với thời điểm trước dịch. Thế nhưng, sau khoảng 3 - 4 tuần ít ai trụ được.

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết thêm, dù mức thu nhập cao nhưng rất ít người lao động chịu ở lại công ty làm việc theo giải pháp “3 tại chỗ”, nguyên nhân là do tâm lý bất ổn. Điều này đã khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng.

“Hiện nay chúng tôi xác định phương án “3 tại chỗ” chỉ có thể tổ chức được đối với các doanh nghiệp của ngành đó là sản xuất nguyên liệu dệt và sợi, ở những khu vực này, nhà máy rất rộng, diện tích lên tới 2 ha nhưng lao động lại rất ít, rơi vào khoảng 150-200 người trong một nhà máy thì có thể tổ chức được. Tuy nhiên khi kéo dài phương án “3 tại chỗ” lên đến 3-4 tuần thì về mặt tâm lý của người lao động rất bất ổn và bắt đầu rơi vào trạng thái không ổn định sản xuất, mặc dù điều kiện ăn ở, chế độ đãi ngộ tốt. Điều này khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Trường chia sẻ.

Theo ông Trường, hiện nay tập đoàn đang tổ chức hoàn thiện những đơn hàng của khách hàng quan trọng và đơn hàng có hiệu quả cao. Doanh nghiệp phải đặt ra thứ tự ưu tiên là khách hàng đó rất quan trọng trong việc phát triển lâu dài thì phải quyết tâm hoàn thiện đơn hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết. Những đối tác còn lại thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục thương thảo và xin chuyển hàng chậm hơn so với cam kết.

“Đối với ngành may thì sự thật đến thời điểm hiện tại thì 19 tỉnh thành phía Nam, tập đoàn không thể duy trì được “3 tại chỗ”. Ví dụ như Việt Tiến với 36.000 lao động thì tập đoàn phải cho tạm dừng với hơn 34.000 người, số còn lại được chia làm 2 nhóm, một là nhóm hoạt động cho khâu phát triển mẫu hàng để bán trong năm sau, nhóm còn lại đang hoạt động sản xuất ở những khâu cuối cùng trong đơn hàng cho đối tác quan trọng”, Chủ tịch Vinatexcho biết.

Cần có giải pháp để doanh nghiệp sống chung với đại dịch trong thời gian tới

Cũng theo ông Trường, hiện nay, bài toán vừa chống dịch, vừa tăng cường sản xuất kinh doanh của Việt Nam rất giống tại Ấn Độ và Bangladesh hồi đầu năm 2020.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành da giày, dệt may của Việt Nam tăng trưởng mạnh, do các nhà máy tại Ấn Độ và Bangladesh phải ngừng hoạt động do dịch COVID-19. Điều này cho thấy, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự linh hoạt, khách hàng chuyển đổi rất nhanh, thay vì đặt hàng tại Ấn Độ, thì họ chuyển sang Việt Nam sản xuất. Và ngược lại, hiện nay khi nhiều công ty may mặc tại Việt Nam đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì khách hàng đối tác có thể đặt hàng tại những đơn vị của nước khác.

“Đây chính là xu hướng mới, vì chính khách hàng cũng không thể dự báo được bao giờ, dịch bệnh mới chấm dứt. Chính vì thế nên doanh nghiệp, chuỗi cung ứng phải làm quen một kiểu sản xuất mới đó là trong một năm sẽ có những tháng thuận lợi và sẽ có những tháng không may mắn do dịch bùng phát lại thì tăng trưởng bị gián đoạn”, ông Trường nói.

Để doanh nghiệp hoạt động trở lại, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho răng, Chính phủ cần có giải pháp sống chung với đại dịch trong thời gian tới.

Để doanh nghiệp hoạt động trở lại, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường chorằng, Chính phủ cần có giải pháp sống chung với đại dịch trong thời gian tới.

Bàn về các giải pháp “sống chung với dịch bệnh”, ông Lê Tiến Trường cho rằng, hiện nay doanh nghiệp vừa phải vận động người lao động để họ yên tâm sản xuất vừa phải trông chờ vaccine. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có biện pháp để bảo vệ cho mình cũng như tất cả các doanh nghiệp thành viên, kể cả doanh nghiệp ở miền Bắc hay miền Trung.

“Cụ thể, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đang giám sát đến tận nơi ở của từng người lao động. Chúng tôi phải gom công nhân cùng một tổ sản xuất ở cùng một khu trọ, nếu có xảy ra thì cho tổ đó nghỉ, chứ không để một khu trọ rải ra 5-7 công nhân thuộc các tổ khác nhau, chẳng may khi có F0, F1 thì cả bao nhiêu tổ buộc phải nghỉ. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt tất cả các vị trí đi lại theo mã số nhân viên, hiện nay việc tiếp xúc của một công nhân chỉ liên quan đến khoảng 20 người. Nếu xảy ra thì 1 người bị, 20 người nghỉ, đây là cách đang làm của doanh nghiệp”, ông Trường cho hay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Vinatex cho rằng, doanh nghiệp không thể áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” lâu dài được. “Chúng tôi biết là tuần vừa rồi tại Bangladesh có 15.000 ca nhiễm COVID-19 một ngày, nhưng Chính phủ tại đó cũng đã quyết định cho 4 triệu lao động của ngành dệt may quay lại làm việc, bởi họ không thể tiếp tục dừng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp liên tục nhiều tháng”, ông Trường ví dụ và cho rằng, đây cũng là một dự báo về mặt đường dài của chúng ta và cũng rất cần Chính phủ có phương án thật kỹ lưỡng đối với hoạt động phát triển sản xuất khi mà một tháng đến một tháng rưỡi nữa thì các doanh nghiệp của nhóm ngành của dệt may cũng như da giày, thuỷ sản cũng sẽ không thể chịu đựng được nữa.

Chính sách chống dịch còn nhiều bất cập

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, hiện nay, các chính sách chống dịch tại các địa phương chưa có sự thống nhất, ngay trong nội bộ 1 tỉnh cũng có nhiều bất cập, máy móc.

Ông Trường dẫn chứng, tại Đồng Nai, các ca dương tính với COVID-19 có nhiều ở TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Do đó, các địa phương này phải thực hiện giãn cách là điều đương nhiên. Tại huyện Định Quán, chưa hề có ca F0 nhưng vẫn thực hiện cách ly toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại đây.

Đó là chưa kể, chính sách tiêm chủng của tỉnh Đồng Nai là ưu tiên tiêm vaccine cho các vùng có dịch. Cụ thể, người lao động, các doanh nghiệp tại TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu sẽ được ưu tiên tiêm, trong khi huyện Định Quán do không có ca nhiễm nên không được ưu tiên. “Mặc dù không có ca F0 nhưng huyện Định Quán vẫn phải cách ly toàn xã hội, nhưng khi tiêm vaccine lại không được ưu tiên như những vùng khác khiến nhiều doanh nghiệp tại địa phương rất lo lắng. Qua đó có thể thấy rằng chính sách của tỉnh chưa linh hoạt”, ông Trường nêu quan điểm.

Từ những thực tế trên, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần có sự phân loại giữa các địa phương. Trong mỗi địa phương cũng cần phân loại các huyện, thậm chí các phải phân loại các xã với nhau. Nếu huyện này có ca nhiễm, thì giãn cách, ngược lại thì “cởi trói” cho doanh nghiệp hoạt động.


Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm