Hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp KHCN xây dựng sản phẩm thương hiệu Việt vươn ra thế giới

DNVN - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VST) Hoàng Đức Thảo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành Trung ương tạo điều kiện, áp dụng cơ chế chính sách để các doanh nghiệp KH&CN xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt đi khắp năm châu. Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Vietnam Airlines cam kết đồng hành cùng Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) / Mỹ phẩm Xuân Trang chăm sóc da miễn phí cho Phụ nữ Công an Lâm Đồng dịp 8/3

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều tối 9/3, ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020, đến nay Hiệp hội đã quy tụ gần 200 doanh nghiệp hội viên trong cả nước thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề: xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, gốm sứ, CNTT, công nghệ sinh học…
Ngoài các hoạt động trong nước, VST đã tăng cường triển khai và tham gia nhiều hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả và tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển thị trường, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Theo đó, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại nước ngoài. Đầu năm 2023, Hiệp hội đã triển khai ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác cùng Hiệp hội xúc tiến M&A Hàn Quốc trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường chuyển giao công nghệ, công nghệ kỹ thuật số, điện tử, năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo, Hiệp hội đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển thị trường, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Dự kiến tháng 4/2023, Hiệp hội sẽ tổ chức đoàn sang Hàn Quốc thăm và làm việc triển khai các nội dung đã ký kết với Hiệp hội xúc tiến M&A. Tháng 5/2023, hiệp hội sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại sang Mỹ triển khai ký kết với Hiệp hội Doanh nghiệp tại Mỹ, nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển thị trường, đầu tư và truyền thông cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội đã tập hợp được đội ngũ doanh nghiệp có năng lực đầu tư, nghiên cứu, sản xuất hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu đi các nước trên thế giới có doanh thu xuất khẩu hàng chục triệu đô/năm, đơn cử như: Công ty TNHH Minh Long 1; Công ty Cồ phần Dược phẩm Savi (Saviphram), Công ty CP Sao Thái Dương, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương và nhiều doanh nghiệp khác.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Hoàng Đức Thảo, trong mấy năm qua, tình hình dịch bệnh, kinh tế, tài chính khó khăn, gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp KH&CN ảnh hưởng khá nặng nề, hoạt động nghiên cứu thành công nhưng không có đầu ra. Cơ chế chính sách chưa thực hiện đồng bộ, vốn đầu tư thiếu hụt nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn và phải dừng hoạt động.
Hiệp hội đã cố gắng nỗ lực phấn đấu và tìm hướng đi đúng, phát huy thế mạnh của mình, tạo mối quan hệ đối ngoại ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội phát triển lớn mạnh vươn tầm quốc tế.
"Tôi mong rằng Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban ngành Trung ương quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, áp dụng cơ chế chính sách để các doanh nghiệp KH&CN có chỗ dựa vững chắc trong hoạt động KH&CN, ngày càng nâng cao hiệu quả, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu Việt đi khắp năm châu. Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam ngày càng phát triển bền vững trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế", Chủ tịch Hoàng Đức Thảo kiến nghị.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Hoàng Đức Thảo, nhiều doanh nghiệp KHCN của Việt Nam đã có thương hiệu bền vững và hoàn toàn tự tin để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam là đối tác tự tin, ngang hàng với đối tác nước ngoài cả về trí lực, công nghệ cũng như tiềm lực tài chính. Nhu cầu xuất khẩu các hàng hóa công nghệ cao của Việt Nam rất lớn, nhu cầu nhập khẩu công nghệ cao từ thế giới của các doanh nghiệp cũng không nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam sắn sàng bỏ tiền mua công nghệ nước ngoài nếu họ thấy hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề là làm thế nào để kết nối cung cầu một cách hiệu quả, đó chính là vai trò cầu nối của các nhà ngoại giao. Các nhà ngoại giao am hiểu thị trường, doanh nghiệp, có các mối quan hệ sâu ở nước sở tại sẽ là người kết nối, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra những thông tin trên cơ sở bigdata cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm. Công nghệ phát triển từng ngày, từng giờ, việc cập nhật các công nghệ mới vào một trung tâm dữ liệu để các doanh nghiệp khai thác, lựa chọn, kết nối là một nhu cầu lớn trong thời đại cách mạng 4.0, rất mong Chính phủ và Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, Ngành xây dựng được trung tâm dữ liệu này.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm