Hỗ trợ doanh nghiệp

Chưa có cơ chế đặc thù ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị quế, hồi xuất khẩu

DNVN - Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam", ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cho biết, chưa có cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản phẩm quế, hồi xuất khẩu.

Xuất khẩu lâm sản 5 tháng đầu năm tăng gần 20% / Xuất khẩu lâm sản duy trì đà tăng trưởng mạnh

Ngày 10/12/2021, Tổng cục Lâm nghiệp và Tổ chức Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam".
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu Việt Nam (VINASAMEX), hiện nay, bà con nông dân canh tác theo tập quán cũ chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp là chưa cao.
70% giống quế, hồi do người dân tự sản xuất theo kinh nghiệm, chất lượng giống không đảm bảo, chỉ có khoảng 30% lượng giống được cung cấp bởi các công ty nông nghiệp hoặc dự án trồng mới của chính quyền địa phương.
Bà con nông dân canh tác cây quế theo tập quán cũ.

Việt Nam hiện có trên 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là các công ty thương mại, chỉ quan tâm đến việc mua bán mà không quan tâm đến việc xây dựng mối liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu. Các công ty hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị rất ít. Chính vì vậy, người nông dân thường gặp tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá tương tự các sản phẩm nông sản khác.
Ngoài ra, với đặc thù của ngành quế, hồi đa số các đơn vị hoạt động theo mô hình gia đình, sản xuất nhỏ, chưa có sự gắn kết và chia sẻ thông tin với nhau, nhiều trường hợp còn cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua tranh bán làm yếu đi sức cạnh tranh của ngành quế hồi Việt Nam.
“Đa số các doanh nghiệp trong ngành quế, hồi là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính cũng như khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Hơn nữa, chưa có cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm quế, hồi xuất khẩu'’ ông Quế Anh nói.
Theo báo cáo của tổ chức FAO, tổng sản lượng quế của Việt Nam năm 2019 đạt 41.408 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8 - 12%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay. Thực trạng này có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển quế ồ ạt tại Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động sản xuất thì cũng gia tăng các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, khó khăn trong việc đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra và có thể sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế và các doanh nghiệp liên quan đến chế biến và xuất khẩu quế ở Việt Nam.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm