Hỗ trợ doanh nghiệp

Chuyển đổi số: Cái thiếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tầm nhìn

DNVN - Theo ông Lê Công Thành - CEO Công ty InfoRe Technology, cái doanh nghiệp Việt Nam thiếu nhiều nhất nằm ở tư duy chuyển đổi số của những chủ DN. Nếu nghĩ chúng ta đang kinh doanh ổn thì sao phải chuyển đổi. Tầm nhìn của chủ DN mới là điều quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Cashwagon – Top 10 “Thương hiệu tiêu biểu hội nhập châu Á – Thái Bình Dương” / Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được ưu tiên hàng đầu

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam; trong đó các doanh nghiệp (DN) là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Báo cáo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của K. Schwab (2016, WEF) định nghĩa thời kỳ 4.0 là thời kỳ mà ở đó có sự thay đổi một cách căn bản cách chúng ta sống, làm việc cũng như mối quan hệ của chúng ta. Trong đó, sáng tạo và kết nối Internet dẫn đến sự thay đổi này.
Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội thảo “Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0” do Tạp chí Kinh tế và dự báo (Bộ KH & ĐT) tổ chức vào sáng 26/6, tại Hà Nội, ông Trịnh Minh Giang - Chuyên gia đào tạo về chuyển đổi số và chiến lược nền tảng số khẳng định, về nền tảng số hóa mô hình kinh doanh, hiện đã có sự chuyển dịch từ Marketing 4P sang 4C. Nếu 4P trong truyền thống gồm có Product, Price, Promotion, Place thì trong Marketing 4C cũng có các yếu tố tương ứng như: Co-Creation - Tính tham gia, Currency - Tính tức thì, Community - Tính cộng đồng, Conversation - Tính đối thoại.
"Trong thế giới mà vạn vật đều cùng kết nối và đều cùng tiệm cận đến mức hoàn hảo, con người và DN trở thành tâm điểm của cuộc đại chuyển đổi với rất nhiều quá trình: Số hóa, di động hóa, tăng cường hóa thực tế, phi trung gian hóa, tự động hóa", ông Giang nói.
Mọi quá trình ấy đều dựa trên sức mạnh của công nghệ số và dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh. Từ dựa trên hệ thống sản xuất và bán hàng truyền thống tới nền tảng số hoá mô hình kinh doanh. Từ các DN thông thường chuyển đổi thành các DN sử dụng công nghệ thông tin làm xương sống, dần trở thành các DN nền tảng.
TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) nhận định rằng, rất ít quốc gia có sự thay đổi nhanh như Việt Nam về Cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Từ năm 2000, Việt Nam đã nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Và trong 3, 4 năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận công nghệ 4.0 và ĐMST.
Chính phủ đã hỗ trợ DN tiếp cận chính sách thông qua việc nâng cao nhận thức và triển khai có hiệu quả chỉ thị số 16/CT-TTg (2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ 4.0, Nghị quyết số 19/NQ-CP (2017, 2018); Nghị quyết số 35/NQ-CP (2016).
Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ DN tra cứu sáng chế; hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về vốn và không huy động được vốn, khó khăn về nhân lực có trình độ cao, Khó khăn trong việc thỏa thuận với các nhà sáng chế và các bên liên quan...; Hỗ trợ DN tham gia một số chương trình, đề án; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa vào tài sản trí tuệ.
DN phải làm gì khi từ chính sách đến thực tiễn có độ trễ?
Dẫn số liệu thống kê của Cục Thông tin KH &CN quốc gia năm 2018 (điều tra 7.641 DN), ông Xuyên cho biết: Số DN có ĐMST là 4.709 chiếm 61%, DN không có ĐMST 2.841 chiếm trên 37%.
Về trình độ công nghệ: Trong 10.994 DN sản xuất có 879 DN sử dụng công nghệ tiên tiến (8%), có 5.501 DN sử dụng công nghệ trung bình, TB tiên tiến (50%), có 4.614 DN còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).
Trong số trên 4.929 DN nhỏ có đến 4.822 DN không có quỹ phát triển KH &CN (quỹ) và chỉ 107 DN có quỹ này. Trong số 820 DN vừa chỉ có 15 DN có quỹ, và 805 DN không có quỹ. Đối với các DN lớn, con số này cũng trong tình cảnh tương tự bởi trong số 1.892 DN lớn chỉ có 86 DN có quỹ, 1806 DN không có quỹ.
Ông Nguyễn Hữu Xuyên phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Hữu Xuyên phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Nguyễn Hữu Xuyên, từ chính sách đến thực tiễn có độ trễ nhất định. Điều này bắt nguồn từ năng lực của tổ chức cũng như bản thân chính các DN.
"DN phải là nền tảng của đổi mới. Theo đó, câu hỏi đặt ra là số lượng DN chuyển mình liệu có lớn không? DN có sẵn sàng thích ứng với CMCN 4.0 như thế nào?", ông Xuyên trăn trở.
Theo ông Phan Đức Hiếu, trong thời đại 4.0, các doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều thách thức và cơ hội. Đó là áp lực cạnh tranh; Thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng; Chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm,… Trong khi đó, các DN có cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu tiêu dùng mới.
Tại Đức, 60% các công ty nhận thức rõ về số hoá. Tuy nhiên, chỉ 25% đã xây dựng chiến lược của mình (thường là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn). Qua đó, ông Hiếu đưa ra thông điệp cho các DN Việt Nam là: "Đừng suy nghĩ 4.0 quá phức tạp, thay vào đó hãy tư duy đơn giản và sát thực với thực tế để kinh doanh hiệu quả. Phải tư duy hàng ngày bằng việc thay đổi và sáng tạo để mang lại hiệu quả nhiều hơn. Không chỉ thay đổi mà còn đổi mới tổ chức và quản trị sự thay đổi".
Trên góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo ông Lê Công Thành, CEO Công ty InfoRe Technology, nhận định, chúng ta phải đối mặt với nhiều rào cản. Thứ nhất nguồn dữ liệu của Việt Nam đang bị chảy ra nước ngoài quá nhiều. Những phần mềm đặt trên điện thoại đa phần là của người nước ngoài, nên chúng ta không có nhiều dữ liệu để thực hiện các ứng dụng giúp ích xã hội. Thứ hai, nguồn hạ tầng tính toán của Việt Nam còn rất yếu. Thứ ba, nguồn nhân lực còn yếu. Đa phần nguồn nhân lực đến từ những người nghiên cứu về AI. Tuy nhiên, những người này từng có kinh nghiệm giảng dạy ở nước ngoài và hiện giờ đang truyền lại tri thức cho người Việt Nam. Thế nhưng họ chỉ giúp phần lý thuyết, phần thực hành phải đến từ trực tiếp các kỹ sư của DN.
Đánh giá về chính sách của Chính phủ Việt Nam, ông Lê Công Thành cho biết, Chính phủ đang rất nỗ lực hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn đến từ hai phía. Thứ nhất là mọi thứ còn mới quá nên DN có thể chưa nhìn thấy sự hỗ trợ từ Chính phủ. Thứ hai là chính các DN Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.
"Chúng ta mới đang trong quá trình tìm hiểu chứ chưa trực tiếp bắt đầu chuyển đổi số. Mới chỉ một số DN đầu đàn đang thực hiện, còn đa phần các DNNVV chưa nhìn thấy mình phải làm như thế nào. Vì bản chất của chuyển đổi số là sự thay đổi mô hình kinh doanh. Mà để thay đổi mô hình kinh doanh thì ko thể một sớm một chiều, chúng ta phải nung nấu nhiều thời gian, nó ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh hiện tại. Để cân bằng cần mất nhiều thời gian", ông Thành chia sẻ.
Theo CEO Công ty InfoRe Technology, cái DN Việt Nam thiếu nhiều nhất nằm ở tư duy chuyển đổi số của những chủ DN. Nếu nghĩ chúng ta đang kinh doanh ổn thì sao phải chuyển đổi. Tầm nhìn của chủ DN mới là điều quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Đối với các DNNVV, ông Thành cho rằng cộng đồng DN này nên luôn tâm niệm trong đầu sự thích nghi trước những thay đổi của thế giới. Phải thích nghi và thay đổi liên tục bởi vừa thích nghi vừa thay đổi liên tục thì mới tồn tại và phát triển được trong thế giới biến đổi không ngừng hiện nay.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm