Hỗ trợ doanh nghiệp

Cơ chế tín dụng ưu đãi tạo đà cho chuỗi liên kết lúa chất lượng cao

DNVN - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, ngành ngân hàng đã triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi và cũng mong muốn có những chính sách khác được triển khai một cách đồng bộ. Qua đó, tạo ra hiệu ứng tốt hơn cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nhất là cho người thụ hưởng là các thành viên tham gia chuỗi liên kết.

Ngân hàng Thế giới cam kết tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao / Nông dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được vay ngân hàng không thế chấp

Đánh giá về việc triển khai đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngành ngân hàng đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Ngày 11/10/2024, NHNN đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến đề án để các TCTD có cơ sở thực hiện cho vay.

Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tin tưởng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, các chính sách ưu đãi về tín dụng thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được thông báo rộng rãi tới các đối tượng thụ hưởng.

Nếu thực hiện tốt tất cả những chính sách đã được đặt ra thì những người tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ được thụ hưởng ưu đãi của Nhà nước rất tích cực. Đây cũng là điều kiện có tính chất quyết định cho việc bảo đảm tính lâu dài, tính ổn định và bền vững của việc liên kết giữa các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư ban đầu đến khâu trồng trọt đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.

“NHNN đã triển khai cơ chế tín dụng ưu đãi và cũng mong muốn có cùng những chính sách khác được triển khai một cách đồng bộ. Qua đó, tạo ra hiệu ứng tốt hơn, vào cuộc một cách trực tiếp hơn.

Làm sao để người thụ hưởng là các thành viên tham gia chuỗi liên kết nhìn thấy những chính sách ưu đãi không phải chỉ về vấn đề vay vốn tín dụng, mà còn vấn đề kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số, môi trường, dự báo rủi ro thiên tai…”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, NHNN sẽ chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến rộng tất cả những doanh nghiệp, hợp tác xã bà con nông dân tham gia vào chuỗi này đều là những đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng liên quan đến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Các chính sách ưu đãi sẽ được thông báo rộng rãi cho bà con nông dân thông qua các chính quyền địa phương.

Quá trình triển khai rộng rãi này phải bảo đảm đúng chính xác quy định những đối tượng được thụ hưởng và những nội dung được đặt ra. Ví dụ như giảm tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành cũng như cơ chế về hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân; vấn đề cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý được dòng tiền, trên cơ sở các thành viên đã tham gia liên kết rất chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu yêu cầu cần thiết.

“NHNN tạo điều kiện cho vay vốn trung dài hạn đối với doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như là những doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con trong quá trình nuôi trồng lúa. Tất cả những điều đó sẽ được triển khai thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - đơn vị chủ lực cho vay trong giai đoạn thí điểm cũng như các tổ chức tín dụng khác tham gia dự án này thời gian tới”, ông Tú nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm