Hỗ trợ doanh nghiệp

CPTPP: Cơ hội để doanh nghiệp Việt đầu tư kinh doanh ở Canada

DNVN - Cơ hội đẩy mạnh đầu tư và kinh doanh vào thị trường Canada đang rộng mở đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.

Chuyển đổi số: Cái thiếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là tầm nhìn / Doanh nghiệp dệt may vượt khó

Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “CPTPP - Cơ hội kinh doanh với Canada” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Các diễn giả trao đổi và trả lời những câu hỏi của nhà đầu tư tại buổi tọa đàm. (Ảnh: VD)

Các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: VD)

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Canada là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao của Việt Nam. Thống kê của Hải quan Canada cho biết, xuất nhập khẩu của hai nước đã tăng 412% trong 10 năm (2008 - 2018) và tăng tới 2.300% nếu tính từ năm 2000. Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%.

Việt Nam cũng là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á của Canada với kim ngạch xuất khẩu sang Canada năm 2018 cao gấp 3 lần Indonesia, Philippines, gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada. Điều này cho thấy, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu cao về hàng hóa nhập khẩu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn.

Ngược lại, các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học, hóa chất, nguyên liệu cho sản xuất, chăn nuôi… luôn là những mặt hàng có nhu cầu cao tại Việt Nam.

 

Với CPTPP, lần đầu tiên và duy nhất đến nay Việt Nam và Canada có thỏa thuận thương mại tự do, tạo căn cứ pháp lý quan trọng hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư của hai nước, nhất là trong bối cảnh hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao cho nhau.

Ông Bryon Wilfert nói về cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai nước. (Ảnh:TH)

Ông Bryon Wilfert nói về cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam - Canada. (Ảnh:TH)

Ông Bryon Wilfert, Chủ tịch danh dự Canada Trade Link cho biết, nhiều năm qua, hoạt động đầu tư-thương mại giữa Việt Nam và Canada còn hạn chế; trong đó, cản trở nhiều nhất được xem là hàng rào thuế quan.

 

Song, với việc cùng tham gia CPTPP, Canada gần như dỡ bỏ trở ngại lớn nhất về hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình 17% xuống 0%.

"Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư. Thị trường Canada đang mang lại cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như: thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép và hàng nông sản...", ông Bryon Wilfert nhận định.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada. (Ảnh: IT)

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada. (Ảnh: IT)

 

Ông Vince Lalonde, Giám đốc Xuất nhập cảnh - dịch vụ đầu tư của Pace Law Firm, cho rằng CPTPP đã có hiệu lực là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tại thị trường Canada một cách thuận lợi và dễ dàng hơn so với trước đây.

Ông Vince Lalonde nhận định với CPTPP, nhà đầu tư Việt Nam có thể chọn phương thức đầu tư "chủ động" như thành lập công ty, mở chi nhánh hoặc mua lại công ty ở Canada,... mà trước đây được cho là còn nhiều "rào cản kỹ thuật" từ phía Canada như yêu cầu phải chứng minh nhiều thứ.

Xu hướng đầu tư vào Canada hiện nay mà doanh nghiệp và cá nhân người Việt Nam có thể chọn lựa vì điều kiện dễ hơn trước khá nhiều, nhất là không ràng buộc người thành lập công ty, mở chi nhánh, hoặc người chủ doanh nghiệp phải ở Canada đủ thời gian 24 tháng để có thẻ cư trú, hoặc đủ 36 tháng (trong thời gian 5 năm) để có quốc tịch Canada. Chỉ cần người thân gia đình, hoặc nhân viên của công ty có mặt tại Canada đủ thời gian quy định trên là được.

Tuy nhiên, theo ông Vince Lalonde, Canada là đất nước rất rộng lớn, mỗi địa phương của nước này có những điều kiện, quy định và ưu đãi nhà đầu tư khác nhau, đòi hỏi nhà đầu tư cần phải thuê công ty có kinh nghiệm tư vấn và nắm rõ về pháp luật của nước sở tại của từng địa phương để có thể trao đổi, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư cho phù hợp.

Hoặc, nhà đầu tư muốn mua lại doanh nghiệp Canada nào đó cũng phải thuê công ty tư vấn để điều tra và có thể kiểm tra chéo về hoạt động của doanh nghiệp này,... "Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tránh hoặc giảm thiểu tối đa khi đầu tư. Tương tự, muốn mở chi nhánh, nhà đầu tư cần đến tận nơi để kiểm tra tính khả thi", ông nói.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam chia sẻ, trong năm vừa qua, Hội đồng thương mại Canada - Việt Nam đã có nhiều hoạt động, trong đó bao gồm tổ chức hai sự kiện “Đầu tư Đà Nẵng” và “Phụ nữ trong doanh nghiệp”.

Từ khi Việt Nam phê chuẩn CPTPP vào tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu thị trường Việt Nam đến các doanh nghiệp Canada thông qua việc tổ chức và tham gia sự kiện, hỗ trợ các đoàn tìm hiểu về thị trường Việt Nam...

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 6/2019, Canada xếp thứ 14 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 184 dự án đầu tư, tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 5,161 tỷ USD.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm