Cty Thanh Hóa: Làm ăn “bê bết”, bộc lộ những dấu hiệu bất minh
DNVN - Năm 2018, Cty Cổ phần Dược-Vật tư y tế Thanh Hóa, đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là Cty Thanh Hóa), không chia cổ tức cho cổ đông do làm ăn “bê bết” và đang bộc lộ những dấu hiệu bất minh…
Gia hạn thời gian xét chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2018 / 88 nhà máy điện mặt trời sẽ vận hành thương mại trong tháng 6/2019
Cty Thanh Hóa có bề dày 58 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các mặt hàng dược phẩm. Cty Thanh Hóa cũng là doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín, thương hiệu trong sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và toàn quốc. Thế nhưng chỉ 1 năm (2018), dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông Trần Thanh Minh (Chủ tịch Hội đồng quản trị, tổng giám đốc), các chỉ tiêu kinh tế sụt giảm nghiêm trọng; cổ đông không được chia cổ tức; đồng thời xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu bất minh khó lý giải với các cổ đông (?)
Theo báo cáo, năm 2018 tổng doanh thu đạt khoảng 515 tỉ đồng, bằng 73,6% kế hoạch. Các cổ đông đánh giá, đây là doanh thu tồi tệ nhất, tụt lùi xuống 14-15 năm về trước. Cổ đông cũng cho rằng, doanh thu hàng Cty sản xuất chỉ đạt 304 tỉ đồng, bằng 74% kế hoạch (tụt lùi 6 năm, gần bằng năm 2012).
Sản phẩm của Cty Thanh Hóa được đăng tải trên website thephaco.vn
Trước thực tế “bê bết” này, cổ đông Lường Văn Sơn nêu nghi vấn: “Chi phí lãi ngân hàng là 15,9 tỉ đồng so với năm 2017 (14,761 tỉ), tăng 7,6%. Đáng lẽ doanh thu giảm, sản xuất giảm gần 30% thì chi phí ngân hàng phải giảm còn khoảng 11 tỉ, đã không giảm mà còn tăng thêm 1,2 tỉ. Như vậy, chi phí ngân hàng chênh lệch khoảng 6 tỉ đã đi đâu, do “mất uy tín” với ngân hàng hay hàng hóa tồn kho vô tội vạ…?”.
Hơn nữa, cổ đông đặt vấn đề sự thiếu minh bạch: Theo báo cáo năm 2018, tiền thưởng bình quân trên mỗi lao động là 6,3 triệu đồng, Cty có 835 người, như vậy tổng tiền thưởng là 5 tỉ 112 triệu đồng. Trong khi đó, báo cáo tài chính số tiền được kiểm toán về số tiền tiền trả cho người lao động và quỹ khen thưởng phúc lợi khoảng 376 triệu đồng, còn lại thiếu hơn 4 tỉ đồng. Các cổ đông đề nghị HĐQT và Tổng giám đốc giải trình số tiền hơn 4 tỉ này lấy từ nguồn nào, hay ăn vào vốn?
Cổ đông Đinh Hào đặt ra hàng loạt câu hỏi về dấu hiệu bất minh trong quản lý và điều hành Cty Thanh Hóa: “Nếu hạch toán đúng thì lỗ khoảng 17 tỉ (đã bán đất đi để bù vào 4 tỉ), nếu không lỗ khoảng 21 tỉ, đề nghị giải trình. Yêu cầu HĐQT ,Ban Giám đốc GĐ, Ban Kiểm soát , Kiểm toán trả lời việc có hay không việc nâng giá máy móc thiết bị để lấy tiền riêng. Kết quả kinh doanh yếu kém, năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2018 bán đất bổ sung vào thu nhập Cty, đồng thời chi phí năm 2018 hạch toán sang năm 2019, đây là việc dấu chi phí, cố tình lừa dối cổ đông, lừa dối ngân hàng, lừa dối cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu công ty kiểm toán, Tổng Giám đốc trả lời cho cổ đông về vấn đề này. Vay nợ cá nhân đầu năm là 37 tỉ, cuối năm nợ 97 tỉ . Yêu cầu Ban kiểm soát và kiểm toán trả lời việc vay nợ này có trong Nghị quyết HĐQT năm 2018 chưa? Yêu cầu cung cấp Nghị quyết cho cổ đông, nếu không là sai với Điều lệ Cty”.
Cty Thanh hóa làm ăn “bê bết” trong năm 2018, có nhiều dấu hiệu bất minh, cổ đông đã đề nghị mời kiểm toán độc lập và cơ quan công an làm việc với Cty để làm rõ những “góc khuất”, ổn định và phát triển xản xuất kinh doanh. Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của Cty Thanh Hóa đang đà lao dốc, có nguy cơ phá sản, các cổ đông cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là năm 2018 ông Trần Thanh Minh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc nhưng “không có chuyên môn, bằng cấp về dược”…Nay, sau đại hội cổ đông, ông Trần Thanh Minh Tiếp tục giữ chức vụ Tổng giám đốc; ông Trần Văn Công (người nhà ông Trần Thanh Minh) giữ chức Chủ tịch HĐQT. Với bộ máy lãnh đạo hiện tại, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đưa ra là 70 tỉ đồng. Cổ đông Lường Văn Sơn đánh giá: “Đó là chỉ tiêu hoang tưởng, tung hỏa mù đánh lừa cổ đông”.
Đỗ Lê Tảo
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo