Đà Nẵng: Kiểm kê khí nhà kính 39 cơ sở
Đà Nẵng: Huy động các nguồn lực cho 3 nhóm sản phẩm du lịch mới / Đà Nẵng: Nhiều giải pháp bảo đảm cấp điện mùa khô
Ngày 27/3, Sở Công thương Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Giải pháp công nghệ Việt Nam (VETS) và Công ty CP công trình Viettel tại Đà Nẵng (Viettel Construction Đà Nẵng) tổ chức hội thảo “Khung pháp lý về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam”, thu hút sự tham dự của đại diện các sở, ngành hữu quan, đặc biệt là các đơn vị thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn TP.
Sử dụng năng lượng mặt trời là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí điện năng và chuyển dịch sang năng lượng xanh.
Theo quy định tại Nghị định 6/2022/NĐ-CP, các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên; hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thuý nhấn mạnh, Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình; các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023.
Tại hội thảo “Khung pháp lý về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam” do Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã nắm bắt, trao đổi, thảo luận về các bước thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở; cách thức tính toán phát thải khí nhà kính, xây dựng lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Ông Dương Chí Công – chuyên gia VETS cho biết, theo dự thảo cập nhật Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn Đà Nẵng có 39 cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, gồm 26 cơ sở thuộc ngành công thương, 12 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 1 cơ sở thuộc ngành tài nguyên – môi trường.
Theo ông Chung Việt Cường – Giám đốc Viettel Construction Đà Nẵng, việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí điện năng và chuyển dịch sang năng lượng xanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo