Hỗ trợ doanh nghiệp

Đà Nẵng thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại: Kiến nghị từ doanh nghiệp

DNVN- Sau khi UBND TP Đà Nẵng ban hành Phương án 7708/PA-UBND thí điểm đón khách du lịch quốc tế, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn vui mừng vi sắp được đón khách quốc tế trở lại. Tuy vậy vẫn có không ít băn khoăn, lo lắng vì những khó khăn, trở ngại đang đặt ra và kiến nghị các cấp, ngành hữu quan cần có hướng dẫn cụ thể và hỗ trợ thiết thực!

Đà Nẵng: Xử phạt vi phạm giao thông qua camera giám sát từ 15/11 / Đà Nẵng: 630 tỷ đồng ngầm hóa lưới điện 27 tuyến đường nội thị

Sau khi UBND TP Đà Nẵng ban hành Phương án 7708/PA-UBND (ngày 17/11/2021) về việc đón và phục vụ khách du lịch quốc tế đến TP Đà Nẵng, Doanh nghiệp Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.

Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Truyền thông - Marketing của Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài:Quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng an toàn và hấp dẫn!

Theo tôi, việc UBND TP Đà Nẵng thí điểm phương án đón và phục vụ khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine (gọi tắt là Phương án 7708) là tín hiệu tốt nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến TP. Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ giúp khôi phục các hoạt động của ngành du lịch nói riêng và các ngành kinh tế, dịch vụ liên quan nói chung, từ đó sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, qua đây sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng an toàn và hấp dẫn, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Đà Nẵng trong mắt bạn bè quốc tế.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (bìa trái) trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn (giữa) và Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình (bìa phải) về các phương án đónn khách du lịch trở lại TP

Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo TP Đà Nẵng về các phương án đón khách du lịch trở lại TP.

Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Mong sớm có hướng dẫn y tế thống nhất trên toàn quốc đối với nguồn khách thí điểm hộ chiếu vaccine

Có thể nói Phương án 7708 vừa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ngày 17/11 là các nội dung mà doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn rất mong chờ để có thể đón khách quốc tế quay trở lại, từng bước phục hồi hoạt động du lịch, tạo đà cho sự quay lại của các nguồn khách khác. Các doanh nghiệp đã sẵn sàng đăng ký để trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ trên cở sở bảo đảm các điều kiện về an toàn chống dịch.

Với kế hoạch này cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, chúng tôi hy vọng Đà Nẵng sẽ đón được đoàn khách quốc tế có hộ chiếu vaccine đầu tiên ngay trong tháng 11 này. Hy vọng, Đà Nẵng sẽ là địa phương có điểm rơi về khách tốt khi mà Đà Nẵng - Quảng Nam nói chung có tài nguyên và hệ thống dịch vụ phù hợp với nhiều nguồn khách lớn.

Về công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi đón khách quốc tế trở lại, trước đây Sở Y tế Đà Nẵng chủ yếu dựa vào Quyết định 3638/QĐ-BYT ngày 30/7 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống COVID-19” để hướng dẫn cho các doanh nghiệp du lịch, nên yêu cầu về các biện pháp an toàn được đưa ra khá cao mà nếu thực hiện đúng như vậy thì sẽ rất khó có khách đến.

Tuy nhiên theo thông tin mới nhất chúng tôi vừa đọc được trên Doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đang lấy ý kiến các địa phương về điều chỉnh thời gian cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với các F1 là người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có hướng dẫn y tế thống nhất trên toàn quốc đối với nguồn khách thí điểm hộ chiếu vaccine, mở đường cho các địa phương và doanh nghiệp thống nhất phương án y tế đón khách.

Ông Hồ Thanh Tú- Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Giám đốc Công ty du lịch Viet Adventure: Chờ hướng dẫn cụ thể của Sở Du lịch, Sở Y tế Đà Nẵng về quy trình xử lý đối với F1

Phương án vừa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt là điều tích cực trong việc tạo điều kiện quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng, từng bước khôi phục kinh tế du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Đồng thời đây là giai đoạn thử nghiệm mở cửa trở lại đón khách quốc tế cũng như thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.

Phương án quy định và hướng dẫn rất cụ thể về quy trình lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ đạt chuẩn chất lượng, bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch cũng như phản ứng nhanh nếu có ca nghi nhiễm xảy ra. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay thì phương án đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine cũng còn các khó khăn, trở ngại. Chỉ có một phần doanh nghiệp du lịch đạt chuẩn mới được tham gia đón và phục vụ đối tượng khách này.

Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch vẫn còn phải chờ thêm hướng dẫn về việc xử lý đối với các trường hợp F1 khi xảy ra ca nhiễm. Theo phương án vừa được phê duyệt đòi hỏi yếu tố trách nhiệm rất cao của các doanh nghiệp trong việc phải thực hiện đúng quy trình, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều vấn đề có liên quan lại vẫn chưa được quy định rõ.

Chẳng hạn, theo phương án vừa được công bố, khi phát hiện có ca F0 thì thực hiện cách ly và điều trị theo đúng yêu cầu, khách phải có bảo hiểm tối thiểu 50.000 USD. Điều đó là hẳn nhiên, tuy vậy khi phát hiện F0 trong đoàn thì cả đoàn sẽ trở thành F1, các đơn vị cung ứng có tiếp xúc gần cũng sẽ trở thành F1. Như vậy họ có phải cách ly hay tiếp tục được tham quan, phục vụ?

Có một số đề nghị khi phát hiện F1 thì thực hiện test PCR, nếu âm tính thì được tiếp tục theo lộ trình tham quan đã định sẵn và phải tổ chức đi riêng biệt đối với nhóm khách này, không tiếp xúc với nhóm khách khác. Đối với nhân viên phục vụ là F1, F2 thì cách ly và giám sát theo yêu cầu phòng chống dịch của địa phương. Các cơ sở dịch vụ có F0 tới thì sát khuẩn khử trùng và chỉ được phục vụ trở lại sau ít nhất 120 - 180 phút...

Các trường hợp có thể nảy sinh cũng như các đề xuất nêu trên của các doanh nghiệp về quy trình xử lý đối với F1 đã được Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhiều lần phản ảnh lên các cấp thẩm quyền của TP nhưng chưa thấy đề cập trong Phương án 7708 của UBND TP Đà Nẵng. Chúng tôi đang chờ Sở Du lịch, Sở Y tế sớm công bố hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng; Tổng GĐ Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An - Furama Resort: Doanh nghiệp lưu trú rất cần sự hỗ trợ!

Về lộ trình thí điểm đón khách quốc tế, chúng tôi đánh giá Phương án 7708 của UBND TP Đà Nẵng rất cụ thể theo từng thời điểm cũng như những phương án bảo đảm cho du khách và doanh nghiệp về an toàn y tế, tạo nên doanh thu cho các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp lưu trú và các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Chúng tôi không kỳ vọng lượng khách có thể đem lại doanh thu cao và có lợi nhuận ngay, nhưng đây là bước khởi động như để cỗ xe được chạy thử cho trơn tru, sẵn sàng đón khách quốc tế như trước năm 2019. Chúng ta cũng cần phải có niềm tin về những kết quả tốt qua những chuyến bay khởi động này, làm cho các hãng hàng không tự tin hơn khi xác lập lại các chuyến bay thẳng quốc tế đến Đà Nẵng như đã có trong năm 2019.

Tuy nhiên trong phương án đón khách quốc tế theo thuê chuyến hoặc bay thường lệ cũng cần phải làm rõ về trường hợp phát hiện FO và cách xử lý đối với F1, về cả thời gian cách ly và đơn vị nào chi trả. Chúng tôi coi mục tiêu an toàn sức khoẻ cho du khách cũng như nhân viên và các nhà cung ứng lên hàng đầu.

Về vận hành các cơ sở lưu trú, hiện dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn rất lớn về tài chính. Chúng tôi mong muốn TP Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ một phần chi phí phòng chống dịch cho doanh nghiệp, có thể xác định tỷ lệ % trên tổng chi phí dành cho phòng chống COVID-19 như xét nghiệm y tế, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, vì đây đang trở thành một chi phí cố định cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp lưu trú thông qua các học viện, các cơ sở giảng dạy kỹ năng mềm về dịch vụ khách hàng. Đây là dịch vụ mến khách nên có những đặc điểm riêng về thái độ, kỹ năng phục vụ và giao tiếp rất cao. Việc đào tạo lại cho các nhân lực đã tạm chuyển sang ngành nghề khác trở lại ngành dịch vụ mến khách này là vô cùng cần thiết.

Nên dành kinh phí hỗ trợ các trường nghề có thêm các chương trình nâng cao và gấp rút để đào tạo sinh viên của ngành du lịch được đi làm thêm và sau khi ra trường có thể được đi làm sớm hơn. Đồng thời nên có kinh phí hỗ trợ nhân viên ngoại tỉnh quay lại Đà Nẵng làm việc, như hỗ trợ 1 - 2 tháng tiền thuê nhà, tiền tàu xe…

Đây cũng là cách để thu hút lao động ngoại tỉnh, nhất là những người từng làm việc trong ngành dịch vụ, du lịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam nhưng do dịch bệnh khó khăn nên phải về quê và làm công việc khác. Chúng tôi kiến nghị những sự hỗ trợ như nêu trên cần được TP Đà Nẵng áp dụng không chỉ cho năm nay 2021 mà còn cho cả các năm sau, đặc biệt là năm 2022.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitour: Cần sự cam kết của chính quyền!

Tôi đọc kỹ Phương án 7708 của UBND TP Đà Nẵng thì thấy đặt cho doanh nghiệp trách nhiệm quá lớn trong việc thí điểm đón du khách quốc tế trở lại. Nếu rủi ro quá nhiều thì doanh nghiệp sẽ rất ngại mở cửa đón khách, vì vậy họ rất cần có sự cam kết bảo đảm của chính quyền, nhất là khi có ca F0 bất ngờ xuất hiện. Tuy nhiên trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương hữu quan như thế nào thì lại chưa thấy Phương án 7708 đề cập rõ. Phải nêu rõ nội dung này thì doanh nghiệp mới biết ai để liên lạc làm việc khi hữu sự.

Đối với doanh nghiệp thì vấn đề chủ yếu vẫn luôn là thị trường và phục vụ. Thị trường thì phải nói thật là đến lúc này còn vẫn đang khá mờ mịt. Có nhiều đề nghị báo giá từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng khi chúng tôi hồi âm thì họ bảo giá cao. Do trong cơ cấu giá thành của mình có quá nhiều cái liên quan như chi chí xét nghiệm... Trong khi một số nước như Thái Lan, Campuchia… họ open toàn bộ. Do đó, khi so sánh về giá cả thì điểm đến Việt Nam tự nhiên mất đi sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm