Hỗ trợ doanh nghiệp

Đáng suy ngẫm khi gia tăng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường

DNVN - Thảo luận tại phiên toàn thể ngày 29/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhận định, phân tích về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, có đại biểu nhấn mạnh việc gia tăng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là thực tế đáng suy ngẫm.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội ‘bị ế’ / Đà Nẵng miễn tiền thuê đất hai huyện Hoà Vang, Hoàng Sa cho các dự án khuyến khích xã hội hoá

Khó đạt mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) nhìn nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tư khu vực tư nhân 4 tháng 2024 chỉ tăng 2,4%.

Đáng lưu ý, có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đầu tư tư nhân còn thấp, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt 27%, thấp nhất so với nhiều năm trước. Mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 khó có thể đạt được.

Hằng năm số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng thuộc ngành nghề nào, quy mô doanh nghiệp nào, nguyên nhân chính là gì lại chưa có dữ liệu phân tích cụ thể, làm cơ sở để đưa ra những giải pháp thuyết phục.


Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh).

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận), tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng là thực tế đáng suy ngẫm. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó tình hình thế giới có những bất ổn ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp. Khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch. Các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán, thủ tục hành chính rườm rà.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang) cho biết, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hệ lụy từ đại dịch COVID-19 cùng với ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột chính trị, quân sự của các nước trên thế giới khiến cho cung, cầu từ khâu sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp bị gián đoạn, đứt gẫy, dẫn đến hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nhấn mạnh đến khó khăn trong thị trường đầu ra của doanh nghiệp, đại biểu này cho rằng, doanh nghiệp hiện nay đang thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Đây là khó khăn nổi cộm trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ khi diễn ra dịch COVID-19, dù đến nay tình trạng này đã, đang được cải thiện nhưng vẫn là khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Cải cách thủ tục hành chính phải mạnh mẽ hơn

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng. Trong đó, vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm, là nhiệm vụ trên hết.

Nhà nước cần khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét, quyết định cho phép Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quốc Khánh, Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ về hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.


Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu).

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra ở khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiếp tục chia sẻ những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ gửi đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đó là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu lao động, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chủ động kịp thời thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về đất đai…

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.

Có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh. Giảm thời gian, chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp...

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, cử tri tha thiết và mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

"Vừa qua việc đùn đẩy trách nhiệm giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp", đại biểu Yên nói.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm