Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Đà Nẵng: Phẫu thuật loại bỏ thành công khối u mỡ nặng hơn 5 kg / Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó trong hội nhập quốc tế
Tại hội thảo “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hội nhập kinh tế quốc tế” do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28/12, ông Phạm Bắc Bình - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam tại miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Đà Nẵng nêu rõ, các DNNVV đóng vai trò không thể thay thế tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và góp phần phát triển xã hội.
Ông Phạm Bắc Bình phát biểu tại hội thảo.
Hầu hết DNNVV thiếu điều kiện đầu tư nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị hiện đại, khó tiếp cận công nghệ mới cũng như những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Đồng thời thiếu sự hiểu biết về luật pháp, thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu liên kết với các DN lớn và hạn chế trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nên gặp khó khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều DNNVV không đủ kinh phí, kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu. Mặt khác, DNNVV cũng phải đối mặt với rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu. Quy trình xuất nhập khẩu hiện còn rất phức tạp, rườm rà, mất nhiều thời gian và đòi hỏi nhiều giấy tờ khiến DNNVV gặp khó khăn trong việc giao dịch thương mại quốc tế.
Theo ông Phạm Bắc Bình, hiện nay hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố thiết yếu thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của mỗi quốc gia. Nhưng với thực trạng nêu trên cho thấy các DNNVV Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài
Ông Phạm Bắc Bình đề nghị, để phát huy tối đa trách nhiệm và vai trò đồng hành, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần cải thiện hệ thống thông tin và tư vấn trên nền tảng trực tuyến, tập trung và chuyên biệt để DNNVV nhanh chóng, dễ dàng tìm kiếm thông tin, dữ liệu cần thiết về các thị trường quốc tế, quy định xuất khẩu và cơ hội kinh doanh tiềm năng. Tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về thương mại quốc tế, kỹ năng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu và các vấn đề pháp lý liên quan.
Đồng thời thúc đẩy kết nối giữa các DN thông qua các sự kiện giao lưu, hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ thương thảo hợp đồng và giải quyết xung đột thông qua việc thiết lập một số quy trình để có thể cử chuyên viên pháp lý góp mặt trong quá trình thương thảo hoặc cung cấp hỗ trợ pháp lý khi DN có yêu cầu.
Đại diện cộng đồng DNNVV tại miền Trung cũng đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý dữ liệu, phân tích thị trường và xây dựng nền tảng trực tuyến cho hoạt động hỗ trợ thương mại quốc tế đối với các DNNVV.
Kết hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, các viện nghiên cứu, trường đại học tiến hành các nghiên cứu về xu hướng quốc tế để hỗ trợ DNNVV cập nhật thông tin mới nhất và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, góp phần tăng cường sự hiện diện của DNNVV Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Cùng với đó, ông Phạm Bắc Bình kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tìm kiếm, tư vấn và kết nối DNNVV với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và các chương trình hỗ trợ tài chính, qua đó tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cần thiết để mở rộng quy mô xuất khẩu. Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện DN ở trong nước để hỗ trợ cho DNNVV.
“Chúng ta cần hợp tác phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ cho DNNVV có thể tự tin, mạnh mẽ bước ra “biển lớn”, tăng tốc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Vì vậy, đây chính là thời điểm quan trọng mà các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ và bảo vệ DNNVV”, ông Phạm Bắc Bình nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo