Để bán được giá, mỗi sản phẩm OCOP cần được 'thổi hồn'
Tuổi Trẻ Startup Award 2025: Cùng AI kiến tạo tương lai / Hỗ trợ đưa 17.000 sản phẩm OCOP ra 'biển lớn'
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn mà còn nâng tầm giá trị và thương hiệu cho nông sản Việt. Song, hành trình đưa sản phẩm OCOP chinh phục thị trường trong và ngoài nước vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi những chiến lược bài bản và sự hỗ trợ đồng bộ.
Theo ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ khi triển khai năm 2018, chương trình OCOP đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, đa số các chủ thể OCOP vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiện nay, cả nước có trên 17.000 sản phẩm và hơn 9.000 chủ thể OCOP. Trong đó, 32,8% là hợp tác xã, 25,9% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, và gần 33% là cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là những đối tượng có quy mô sản xuất nhỏ, rất cần được hỗ trợ trong việc quảng bá và xúc tiến thương mại.
Để thị trường quốc tế chủ động tìm đến sản phẩm Việt Nam, ông Đình Anh nhấn mạnh vào hai yếu tố cốt lõi: tính hữu hạn, độc đáo và câu chuyện văn hóa.

“Sản phẩm OCOP về bản chất là sản phẩm địa phương, gắn liền với làng xã, nên không thể sản xuất đại trà với số lượng lớn. Nếu sản xuất nhiều, sẽ trở thành hàng công nghiệp, mất đi "chất" OCOP. Vùng nguyên liệu có thể chỉ vài chục, vài trăm hecta, thậm chí sản xuất theo mùa vụ. Chính vì tính hữu hạn này, sản phẩm OCOP phải mang trong mình sự độc, lạ và cuối cùng là phải bán được giá cao.
"Tuy nhiên, để bán được giá cao không hề dễ. Trái xoài ở Okinawa (Nhật Bản) có thể bán với giá 1,2 triệu đồng/quả mà vẫn "cháy hàng". Trong khi đó, xoài Cát Chu của Đồng Tháp rất ngon nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc nâng cao giá trị, thay vì chỉ bán theo cân", ông Đình Anh nêu.
Để làm được điều này, cần sự đầu tư rất lớn và bài bản. Cần phải ‘thổi hồn’ văn hóa vào sản phẩm. Không chỉ bán một sản phẩm vật chất, mà phải bán câu chuyện đằng sau nó.
Ông lấy ví dụ về những bức tranh thêu từ tơ sen của một nghệ nhân ở Mỹ Đức (Hà Nội), một tác phẩm "độc nhất vô nhị" nhưng lại được bán với giá rất thấp.
"Bức tranh thêu bằng sợi tơ sen, nếu chỉ là sản phẩm thêu bình thường, người nghệ nhân làm 2 ngày xong bức tranh, được bán với giá 2 triệu, người thợ chia sẻ là "lãi lắm rồi". Tôi cho rằng, bức tranh này có thể bán với giá 20 triệu khi thổi hồn câu chuyện từ hái sen, xe tơ, thêu tay. Mỗi bức tranh là sản phẩm handmade và độc đáo. Một bức tranh đẹp cần được đặt trong một chiếc khung xứng tầm”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương chia sẻ.
Theo ông Đình Anh, việc xây dựng “câu chuyện sản phẩm OCOP” là yếu tố sống còn để tạo ra sự khác biệt. Mỗi sản phẩm cần kể được câu chuyện về văn hóa, lịch sử, và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.
“Bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên) khác bánh chưng Đức Thọ (Hà Tĩnh). Chính câu chuyện sẽ tạo ra giá trị văn hóa đặc trưng, khơi gợi sự tò mò và mong muốn được trải nghiệm của du khách”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng nhiều nông dân, đặc biệt là đồng bào miền núi, không có khả năng tự viết nên câu chuyện thương hiệu.
Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đang triển khai các giải pháp. Theo đó, kết nối với các tổ tư vấn, chuyên gia để giúp các chủ thể “chắp bút” cho câu chuyện sản phẩm. Nâng cao thang điểm cho “câu chuyện sản phẩm” trong bộ tiêu chí OCOP mới để khuyến khích các chủ thể đầu tư hơn vào yếu tố này. Đa dạng hóa con đường xuất khẩu và tận dụng nền tảng s
Sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước. Ông Đình Anh cho biết, hiện có khoảng hàng nghìn sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu qua hai hình thức chính: xuất khẩu trực tiếp qua các kênh giao thương chính ngạch và xuất khẩu tại chỗ qua du lịch.
Với những sản phẩm chưa thể xuất khẩu, việc phát triển trên nền tảng số là một hướng đi tất yếu. Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp đang phối hợp với TikTok Việt Nam, đưa các KOLs (người có ảnh hưởng) đến gần 20 tỉnh để hỗ trợ quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các chương trình đào tạo, “cầm tay chỉ việc” cũng được triển khai để giúp các chủ thể tự mình quảng bá trên các nền tảng số.
End of content
Không có tin nào tiếp theo