Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp đối mặt hàng loạt thách thức trong lộ trình chuyển đổi xanh

DNVN - Trong lộ trình chuyển đổi xanh hướng tới nền kinh tế carbon thấp và phát triển bền vững, doanh nghiệp đối diện nhiều rào cản, trong đó bao gồm vấn đề nhận thức, sự thay đổi công nghệ và nguồn vốn.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch đối với công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm / Đà Nẵng: Di dời cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư vào cụm công nghiệp

Doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi nhận thức

Sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu. Điều này giúp doanh nghiệp (DN) có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, thu hút tốt hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường.

Từ đó, giúp DN có thể trụ vững, phục hồi trước các “cú sốc” bên ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Tại phiên toàn thể của diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững 2023” ngày 23/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quá trình chuyển đổi xanh là một cuộc cách mạng, muốn thành công phải tư duy và hành động đột phá. Đặc biệt phải mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới xanh hơn, hiệu quả hơn và thông minh hơn.

Phó Thủ tướng cho rằng, trên chặng đường chuyển đổi xanh, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn. Sẽ là thách thức, là hàng rào không thể vượt qua được nếu chúng ta chuyển đổi chậm.

Trước đó, tại phiên chuyên đề trong khuôn khổ diễn đàn, các chuyên gia, DN đã đề cập tới những thách thức lớn nhất trong hoạt động chuyển đổi xanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra kiến nghị để thực thi phát triển bền vững.

Theo bà Đặng Thị Hồng Hạnh - Đồng sáng lập, Phó Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Mặt trời (VNEEC) cho biết, điều quan trọng nhất và cũng là thách thức lớn nhất trong chuyển đổi xanh là nhận thức của DN, đặc biệt là lãnh đạo DN.


Các diễn giả chia sử về những thách thức và đề xuất giải pháp chuyển đổi xanh.

“Để chuyển đổi xanh, trước tiên, phải có nhận thức của DN. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể không ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến DN Việt Nam như tình trạng ô nhiễm cục bộ địa phương có thể khiến DN chịu ảnh hưởng. Khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này thì những khó khăn khác về vốn, công nghệ, nguồn lực… sẽ dần được giải quyết", bà Hạnh nói.

Đề cập đến khó khăn của DN khi tiếp cận nguồn vốn xanh, ông Vũ Chí Công - Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG, Tập đoàn VinaCapital cho rằng, nền kinh tế đang bất định và khó khăn, DN đều thiếu vốn. Trên thực tế lại xảy ra một nghịch lý: nguồn vốn xanh khá dư dả nhưng không có cơ hội đầu tư. Vậy DN phải làm gì để tiếp cận được nguồn vốn xanh?

“Theo tôi, vấn đề trọng yếu nhất là tính sẵn sàng của thông tin và dữ liệu. Khi nhà đầu tư sàng lọc và tìm kiếm dự án, nếu DN không có đầy đủ bộ dữ liệu và thông tin của mình thì các quỹ đầu tư hoặc các ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, hoặc tín dụng bình thường, không thể tiếp cận được. Khi không tiếp cận được dữ liệu, quỹ đầu tư không biết DN đang hoạt động như thế nào, và DN đang tạo ra tác động gì”, ông Công chia sẻ.

Do đó, để mang lại sự sẵn sàng về mặt thông tin và dữ liệu, trước hết DN cần phải thay đổi nhận thức, phải hiểu về chính mình.


Theo giới chuyên gia, khi nhận thức thông suốt thì những khó khăn khác về vốn, công nghệ... sẽ dần vượt qua.

Cũng theo ông Công, trong quá trình đầu tư, có hai trường hợp phổ biến. Một là DN chỉ tập trung vào kinh doanh nhưng không biết những tác động DN có thể gây ra là gì. Đôi khi là tác động tích cực nhưng có lúc lại là tác động tiêu cực. Thứ hai, DN chỉ tập trung vào tác động của mình nhưng lại rất kém trong việc tạo ra mô hình DN đủ mạnh và phát triển.

Do đó, đầu tiên DN cần phải thay đổi nhận thức xem lĩnh vực kinh doanh của DN có vấn đề môi trường xã hội nào là trọng yếu mà DN cần tập trung giải quyết. Đối với từng vấn đề trọng yếu, vấn đề tác động tích cực và tiêu cực DN có thể gây ra là gì? Đối với các động tiêu cực thì DN có lộ trình như thế nào để quản lý và giảm thiểu.

Khi DN nhận thức được tất cả các vấn đề đó, DN sẽ có lộ trình, chính sách, ghi chú đầy đủ về nguồn dữ liệu đó. Có thể ban đầu khó khăn nhưng về lâu về dài khi đã thành thói quen thì việc triển khai sẽ giống như hoạt động hàng ngày của DN.

Thiếu sự đồng bộ trong hệ sinh thái phát triển bền vững

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam chia sẻ, là cầu nối giữa đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, với nỗ lực của AEON và phạm vi năng lực của mình thì khả năng mình có thể định hướng hành vi của người tiêu dùng, đem lại sự tiện lợi nhất cho người tiêu dùng thì AEON tự tin hơn. Nhưng về mảng các nhà phân phối, ở Việt Nam số lượng DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn và giống như các diễn giả đã nói, khó khăn lớn nhất là thay đổi công nghệ và nguồn vốn.

Để DN thay đổi công nghệ, từ đó cung cấp các sản phẩm xanh thì DN cần nỗ lực rất nhiều, phía AEON chỉ góp phần định hướng, hỗ trợ về thông tin, hướng dẫn kỹ thuật. Còn về nội tại từng DN phân phối cần nỗ lực lớn. AEON mong có sự đồng hành từ Chính phủ với chương trình hỗ trợ nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa để có cộng đồng DN đi nhanh và mạnh.

Trong khi đó, bà Trần Thanh Hương - Trưởng ban Phát triển bền vững Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật mạng và Giải pháp NOKIA Việt Nam đánh giá, thách thức nhất là thiếu sự đồng bộ trong hệ sinh thái về PTBV, đặc biệt là đối tác tham gia chuỗi giá trị của DN. Làm thế nào để có giải pháp có thể đồng bộ về mục tiêu PTBV trong toàn bộ chuỗi giá trị của DN là điều rất quan trọng. Việc này đòi hỏi chúng ta phải chung tay hành động.

Theo bà Hương, cần có liên minh do Chính phủ điều phối, trong đó bao gồm các bộ, ban, ngành liên quan, các ngành kinh tế trọng điểm của nền kinh tế, các nhà mạng và nhà cung cấp giải pháp.

“Việc phối kết hợp, thậm chí cả khối các trường đại học về đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Nếu có liên minh như vậy cho từng ngành công nghiệp và nhìn trên quy mô tổng thể nền kinh tế, chúng ta sẽ hiện thực hoá được mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát thải thấp”, bà Hương đề xuất.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm