Đắk Nông đăng cai “hội nghị bàn tròn” TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên
PC Đắk Nông nhận bằng khen của Bảo hiểm xã hội Việt Nam / Đắk Nông lập tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp
UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, trong 2 ngày 24-25/8 tới đây, tại TP Gia Nghĩa sẽ diễn ra hội nghị trao đổi, thống nhất kế hoạch triển khai bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng 5 Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Internet
Hội nghị nhằm trao đổi, thống nhất giữa UBND, các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) về các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đồng thời, đề xuất các phương án cụ thể để triển khai các nội dung công việc sẽ được tổ chức, thực hiện theo kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Đây cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh việc xúc tiến, hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cuối năm 2022, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), UBND TP Hồ Chí Minh và UBND 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Các lĩnh vực hợp tác trọng tâm được xác định gồm: phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực hợp tác song phương giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, như với Đắk Nông: thu hút các nhà đầu tư có năng lực để phát triển ngành du lịch; liên kết trong chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
TP Hồ Chí Minh - Kon Tum: phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
TP Hồ Chí Minh - Gia Lai: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; du lịch.
TP Hồ Chí Minh - Đắk Lắk: phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa; phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng bản sắc văn hóa dân tộc.
TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng: phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao; liên kết tiêu thụ nông sản.
Đăng cai tổ chức "hội nghị bàn tròn" giữa TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Ảnh: Internet
Theo thống kê, giai đoạn 2010-2021, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đầu tư 275 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 82,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Ðắk Lắk thu hút 50 dự án, tổng vốn đăng ký 6.049 tỷ đồng; Ðắk Nông 27 dự án, tổng vốn đăng ký 1.918 tỷ đồng; Kon Tum 9 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 542 tỷ đồng; Gia Lai thu hút 43 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 50 nghìn tỷ đồng và tỉnh Lâm Ðồng có 146 dự án còn hiệu lực do các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện, với tổng vốn đăng ký hơn 23,3 nghìn tỷ đồng, trong đó có 86 dự án đã đưa vào hoạt động.
Các dự án triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo