Doanh nghiệp du lịch mong Chính phủ kiên định với Nghị quyết 128
DNVN - Cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 và trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch một cách chủ động, hiệu quả.
Astral City – biểu tượng thịnh vượng của Bình Dương / LynkiD chính thức trở thành đối tác loyalty độc quyền của VPBank
Nhiều người muốn đi du lịch ngay từ đầu năm 2022
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) - thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Theo Ban IV, với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ, tất cả các ngành kinh tế đều phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ "phục hồi và phát triển" do Thủ tướng Chính phủ đề ra. Ngành du lịch cũng không phải ngoại lệ khi đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, gấp 150% so với năm 2021 và đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng.
Để đóng góp và thúc đẩy cho quá trình phục hồi này, Ban IV cùng Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã phối hợp với báo điện tử VnExpress tiến hành cuộc khảo sát trong tháng 12/2021 về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời COVID-19 trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Từ đó xây dựng những đề xuất, kiến nghị thực tiễn nhất trình Thủ tướng Chính phủ và gửi thông điệp cho các doanh nghiệp du lịch.
Như "lò xo bị nén", nhiều người muốn đi du lịch ngay từ đầu năm nay. (Ảnh: Báo Tin tức)
Kết quả khảo sát cho thấy gần 90% số người khảo sát cho biết muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó có tới 53,7% muốn đi du lịch ngay trong giai đoạn từ tháng 12/2021 tới các tháng đầu năm 2022. Điều này thể hiện nhu cầu “lò xo bị nén” có thể bật mạnh.
Tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là mối ưu tiên cao nhất của du khách khi lên các kế hoạch đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch.
Khảo sát cũng cho thấy việc phát triển mạnh nhu cầu của du khách trong việc sử dụng công nghệ số để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch. Trong đó có tới 75% số người được hỏi mong muốn các nền tảng số lĩnh vực du lịch tập trung vào việc cung cấp thông tin du lịch an toàn. 57% để đặt, mua và thanh toán dịch vụ du lịch và 51% để chăm sóc, phục vụ khách hàng.
Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều mối lo ngại của du khách cần được giải tỏa để yên tâm du lịch, trong đó du khách lo ngại nhiều nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).
Duy trì tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt"
Căn cứ kết quả khảo sát trên, Ban IV và TAB đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 và trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch một cách chủ động, hiệu quả.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú... Chú trọng đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập. Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương cung cấp 1 đường dây nóng để hỗ trợ chuyên cho quá trình phổ biến thông tin, giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt chi tiết khi lên các kế hoạch di chuyển, từ đó nâng cao hiệu quả và ý thức tuân thủ, chấp hành.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch kiến nghị Chính phủ quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch ở cả 3 cấp độ, gồm trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ trong quá trình phục hồi. Trước mắt cấp Trung ương ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, cấp địa phương ưu tiên cho việc tiếp thị số điểm đến và hướng tới quản trị hoạt động dựa trên dữ liệu thực.
Ban IV và TAB cũng đề xuất lãnh đạo Chính phủ ưu tiên thực hiện hoạt động đối thoại công - tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước hết trong giai đoạn 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố công khai các kế hoạch, thường xuyên cập nhật kế hoạch theo diễn biến của thực tiễn để các bên cùng phối hợp thực hiện hiệu quả.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo