Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp hi vọng vaccine Covid-19 sẽ cứu nền kinh tế

DNVN - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, trong đó cộng động doanh nghiệp (DN), doanh nhân gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến việc làm, an sinh của người lao động khó có thể duy trì... Có ý kiến cho rằng, chỉ duy nhất vaccine ngừa Covid-19 mới cứu được các DN và nền kinh tế.

THACO hủy niêm yết, không còn phải công khai số liệu tài chính / Doanh nghiệp viễn thông dịch chuyển sang kinh tế số khi dịch vụ truyền thống bão hòa

Tại Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó Covid-19” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) tổ chức sáng 21/5/2021, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bộc lộ nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn,… bị ảnh hưởng rõ rệt.

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Báo KT & ĐT)
"Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tìm ra giải pháp hữu hiệu, căn cơ và lâu dài cho bối cảnh Việt Nam. Thành công của phòng, chống dịch sẽ tạo ra cơ hội cho các DN phát triển. Trước toạ đàm này, 1 DN đã gửi tâm tư, nguyện vọng rằng hy vọng toạ đàm ngày hôm nay có thể tìm ra giải pháp, mà trong đó DN này nhận định rằng chỉ có duy nhất vaccine ngừa Covid-19 mới cứu được các DN, cứu được nền kinh tế", Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nói.
Ông Nguyễn Minh Đức đồng ý với quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, Phó Chủ tịch Hanoisme rằng, chúng ta không thể chống dịch theo cách cũ như trước, mà phải theo xu hướng mục tiêu của thế giới: Phải có vaccine.
"Chỉ vaccine mới cứu rỗi được thế giới, cứu rỗi được nền kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam. Ngày hôm qua, Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch thành lập Quỹ vaccine của Việt Nam. Vậy liệu rằng, thách thức điều hành quỹ này như thế nào, trách nhiệm của Chính phủ cũng như các bộ ngành ra sao, và đặc biệt là mong muốn của các DN trong việc đồng hành cùng Chính phủ để tự cứu mình, cũng như đóng góp cho xã hội như thế nào." ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, trong công tác chống dịch Chính phủ cần quan tâm đến vaccine.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Báo KT & ĐT)
"Vaccine chưa phải là tất cả nhưng là quan trọng hiện nay. Chúng ta chậm vaccine là sẽ chậm cuộc chơi so với thế giới. Tôi đánh giá cao Nghị quyết 21 của Chính phủ nhưng tôi nhận thấy phải đẩy mạnh hơn nữa và đa dạng hơn nữa nguồn vaccine. Tôi mạnh dạn đề xuất ngoài vaccine từ nguồn của Chính phủ, chúng ta nên có cơ chế để DN tự tìm kiếm và chi trả để tiêm vaccine cho người lao động. Làm được điều này, nguồn vaccine của Chính phủ sẽ càng công bằng hơn để tiếp cận với những đối tượng khác trong xã hội", chuyên gia Phan Đức Hiếu đề xuất.
Kinh nghiệm phòng chống dịch cho DN trong lúc chờ vaccine
Chia sẻ về giải pháp phòng, chống dịch đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động và tiến độ sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, Phó Chủ tịch Hanoisme cho biết, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp rủi ro, không chỉ là dịch bệnh, mà còn nhiều yếu tố xã hội tác động. Làm sao để chống chọi với rủi ro đồng thời vẫn ổn định phát triển sản xuất là bài toán của mọi doanh nghiệp.
"Với dịch bệnh, nếu chỉ 1 người trong khu vực doanh nghiệp dính dịch cũng có thể dẫn đến ngừng sản xuất bất cứ lúc nào hoặc các thị trường bị phong tỏa có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và nguồn cầu. Kinh nghiệm của Sunhouse trong giai đoạn trước là khi dịch bùng ra, chúng tôi đã họp ngay với các cán bộ cấp quản lý để đặt ra những kịch bản như phong tỏa trong khu vực hẹp, phong tỏa thành phố, phong tỏa vùng miền", ông Phú nói.
Ông Phú lấy ví dụ, nếu phong tỏa từng phần, DN sẽ chia nhiều kho hàng để không bị đứt gãy. Nhà máy chia ra nhiều nếu một nhà máy bị "dính" thì các nơi khác bù vào. Năm vừa rồi, bộ phận kinh doanh tài chính chứng khoán của Sunhouse trở thành bộ máy kiếm tiền chính… Tựu chung lại phải đa kênh, thị trường. Cần chia ra nhiều hướng để đa dạng thị trường, kênh phân phối, kiếm tiền sẽ giúp bình ổn.
"DN cần có dự phòng, nếu trong bức tranh kinh doanh không có khoản này rất nguy hiểm. Bên cạnh đó cần có những dự báo, công tác dự phòng cần được chú trọng. Nhiều khi nguồn tiết kiệm chỉ được phép dùng trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hay gặp rủi ro. Những chiến lược này đã giúp Sunhouse dù bị 2 cú sốc lớn, kết thúc năm tài chính vẫn tăng trưởng khoảng 15% kể cả doanh thu lẫn lợi nhuận, sau khi bù đắp tất cả rủi ro", ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse trao đổi tại tọa đàm.
Theo Chủ tịch HĐQT Sunhouse, năm ngoái ông đã nhận định, bản thân dịch bệnh nếu dùng cách cũ, sẽ không còn hiệu quả. Dịch bệnh bùng toàn thế giới, do vậy chúng ta cần sẵn sàng đón nhận rủi ro một cách khôn ngoan. Những đứa trẻ trong gia đình khá giả, bị ngăn tiếp xúc đất, thì một khi tiếp xúc lại dễ nhiễm bệnh so với những đứa trẻ nông thôn được thả chơi rông. Chống dịch cực đoan là rất nguy hiểm, giống như đứa trẻ không được tiếp xúc gió nắng bên ngoài. Việc ngăn ngừa dịch bệnh là không thể tuyệt đối và phải chung sống với nó một cách khôn ngoan.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã có nhiều giải pháp đồng hành chia sẻ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, địa phương. Trong 300 ngày công của May10 không có bất kì ca nhiễm F0 hay F1 nào, công ty cũng đảm bảo đủ công ăn việc làm cho 12.000 cán bộ.
Khó khăn với May 10 là rất lớn, bởi với quy mô nhiều lao động, dù chỉ có 1 ca nhiễm nhưng sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy. Các biện pháp phòng dịch trước hết là xây dựng kịch bản, nếu xảy ra dịch thì bảo vệ con người như thế nào, hay như cách nào để duy trì đơn hàng và đáp ứng nhu cầu xuất hàng. May 10 đã làm khá tốt phòng chống dịch, quan trọng nhất là rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính cá nhiễm F0, F1, làm triệt để kiên quyết, yêu cầu cách ly F2, và thậm chí là F3 tại nhà.
Ngoài ra, May 10 cũng đã thực hiện đầy đủ 5K đối với người lao động từ cổng vào, ngăn nguồn lây... Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn số người từ 6 thành 4, mỗi người 1 buồng, trên bàn thì có poster tuyên truyền để người lao động khi ăn dù chỉ 5 phút cũng nhìn vào đó để thực hiện.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm