Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp kêu còn nhiều bất hợp lý khi thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM

DNVN - Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Cục Hải quan thành phố tổ chức họp với các doanh nghiệp cảng, ngân hàng thương mại để hướng dẫn việc kết nối tới hệ thống thu phí, chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm hệ thống thu phí vào giữa tháng 6 và chính thức thu phí từ 0h ngày 1/7, triển khai trên tất cả cửa khẩu cảng biển thuộc khu vực TP.HCM.

ENV phát hành tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021” / Doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng tâm thế khôi phục hoạt động du lịch

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 10, đơn vị này đã chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ hệ thống thu phí nhằm triển khai thực hiện thu phí theo đúng tiến độ đề ra.

Đến nay, Cảng vụ đường thủy nội địa đã hoàn thành việc đấu thầu và đã ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác thu phí. Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ cho hệ thống thu phí được các nhà thầu đang triển khai tổ chức thi công.

Sở GTVT TP.HCM đang phối hợp với Cục Hải quan thành phố đã tổ chức họp với các doanh nghiệp cảng, ngân hàng thương mại để hướng dẫn việc kết nối tới hệ thống thu phí, chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm hệ thống thu phí vào giữa tháng 6 và chính thức thu phí từ 0h ngày 1/7, triển khai trên tất cả cửa khẩu cảng biển thuộc khu vực TP.HCM.

TP.HCM sắp thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển.

TP.HCM sắp thử nghiệm hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển.

Theo đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển được thực hiện hoàn toàn tự động. Người nộp phí thực hiện kê khai thông tin hàng hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan. Sau đó, khai nộp phí bằng cách nhập thông tin số tờ khai hải quan xuất nhập khẩu từ hệ thống đã khai báo của cơ quan hải quan trên hệ thống thu phí của Cảng vụ. Hệ thống thu phí tự động trả ra thông tin về số tiền phải nộp. Người nộp phí sử dụng các ứng dụng thanh toán 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử để thực hiện nộp phí.

Theo Đề án thu phí, toàn bộ số tiền thu phí dùng để đầu tư vả bảo trì cho các tuyến đường kết nối vào cảng biển TP.HCM, giúp giảm ùn tắc, giảm tình trạng quá tải các tuyến ra vào cảng biển gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống cảng biển. Ngoài ra giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistic, tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngoài TP.HCM đã bức xúc về mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển gấp đôi so với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM. Trong đó, Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (ABEI) đã có kiến nghị gửi UBND TP.HCM về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch ABEI, cho biết việc thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển là để tạo nguồn thu cho ngân sách, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực của khẩu cảng biển tại TP.HCM.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 10 có những điểm chưa phù hợp, gây ra sự bất bình đẳng cho đối tượng nộp phí, khi có sự chênh lệch 100% về mức nộp phí giữa doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP.HCM và doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP.HCM. Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Cụ thể, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức thu 500.000 đồng/cont đối với container 20feet; 1.000.000 đồng/cont đối với container 40ft; và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM áp dụng mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20feet; 500.000 đồng/cont đối với container 40feet; và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng container.

Nhiều doanh nghiệp lại phản ứng với đề án thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

Nhiều doanh nghiệp lại phản ứng với đề án thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

Hội Xuất Nhập Khẩu tỉnh Bình Dương kiến nghị, tất cả các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp hoạt động tại TP.HCM hay tại tỉnh Bình Dương đều là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và được bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật. TP.HCM nên áp dụng một mức phí đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam (VASEP) cũng đã có công văn gửi tới Bộ Tư pháp, kiến nghị TP.HCM xem xét không thu các loại phí hạ tầng cảng biển trong giai đoạn kinh tế gặp khó do dịch Covid-19, ít nhất đến cuối năm 2021. VASEP đồng thời đề nghị điều chỉnh mức thu nói trên giảm theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách cho thành phố.

Theo VASEP, việc thu phí này đang tạo ra nhiều bất hợp lý bởi hiện nay các doanh nghiệp phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Trong đó, doanh nghiệp đang gánh một khoản tiền lớn phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.

"Từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái có tới 7 trạm thu phí BOT. Mỗi container phải đóng tiền qua trạm 2 lượt đi và về, tính ra tổng phí qua 1 trạm là 360.000 đồng, tức với mỗi container hàng, doanh nghiệp phải trả thêm phí cầu đường 2,5 triệu đồng. Một doanh nghiệp thủy sản ở Khánh Hòa xuất khẩu trung bình 3.000 container/năm, phải tốn tới 7,5 tỉ đồng phí qua trạm BOT. Nếu gánh thêm khoản phí dịch vụ cảng biển, doanh nghiệp đó sẽ phải chi trả khoảng 5,5 tỉ đồng nữa”, một chuyên gia của VASEP tính toán.

Theo VASEP, hầu hết doanh nghiệp thủy sản và các ngành hàng khác đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu 2 lần phí cho container hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu. Trong khi hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu hiện nay đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm