Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp lúng túng trước ''rừng'' thông tin y tế và toa thuốc điều trị F0

DNVN - Cho rằng nhiều doanh nghiệp lúng túng trước "rừng" thông tin, hướng dẫn y tế từ nhân sự đến tủ thuốc điều trị F0, đại diện cộng đồng doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần có những hướng dẫn cơ bản và dễ hiểu để lãnh đạo cũng như người lao động nắm được và thực hiện.

Chủ tịch FPT: Doanh nghiệp cần hành động nhanh hơn COVID-19 để vượt đại dịch / Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đào tạo lao động phù hợp công nghiệp 4.0

Tại buổi tư vấn có chủ đề thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress tổ chức chiều ngày 31/10, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện quá nhiều văn bản liên quan đến y tế phòng, chống dịch của TP, Bộ Y tế, Ban Quản lý KCN, Trung ương, địa phương. Cần sàng lọc các thông tin này để đưa vào DN, cho từng loại hình DN.
"Đứng ở góc độ là DN sản xuất trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh và trải nghiệm 100 ngày vừa qua của các DN trong các khu công nghiệp, chúng tôi nhận thấy hiện có "rừng" thông tin nhưng chúng tôi lại chưa có cái nào để in ra và treo tại doanh nghiệp. Chúng tôi không biết làm việc với ai, như thế nào, và đâu là hướng dẫn y tế cập nhật nhất", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo ông Việt Anh, khi phục hồi sản xuất kinh doanh, mỗi DN bây giờ cần có thông tin cơ bản về y tế nhất là tài liệu mang tính chính thức, dễ hiểu, cơ bản như nội quy của DN, để mỗi cán bộ công nhân viên từ người tạp vụ, bốc xếp hàng hóa đến các CEO đều nắm được. Những thông tin cơ bản này cần được ban hành trong mỗi DN như quy trình của ISO ngắn gọn, dễ hiểu, mang tính tuân tủ, link với các hoạt động của DN.
Công nhân một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thực hiện khai báo y tế trước khi vào làm việc. (Ảnh: LĐO)

Cũng theo phản ánh của ông Việt Anh, để hoạt động bình thường, trước đây mỗi DN lớn đều có một phòng y tế, còn các DNNVV thì hầu như không có. DN khá thì có y sĩ. Kết quả khảo sát 400 DN sản xuất cho thấy, chỉ khoảng 30% DN có phòng y tế, có y sĩ được đào tạo bài bản. DN lớn hơn và ngành nghề hay có tai nạn lao động thì có 2 - 3 điều dưỡng.
''Về yêu cầu này cần có sự tư vấn và quy định rõ ràng. Chẳng hạn với DN trên 200 lao động thì cần những gì, cần phòng bao nhiêu mét vuông 1 giường bệnh, cỡ như nào thì cần 1 y sĩ, 1 điều dưỡng'', Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nêu.
Ngoài ra, DN cần tư vấn và hướng dẫn về trang bị tủ thuốc cơ bản. Doanh nghiệp lúng túng về việc trang bị tủ thuốc khi có một ''rừng'' toa thuốc từ đông dược đến tây y điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Trước những băn khoăn này, chuyên gia Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) cho biết, trong trường hợp chưa có đầy đủ vaccine tại địa phương DN đang hoạt động, mỗi DN cần phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, và trong Ban chỉ đạo này phải có bộ phận y tế. Bộ phận y tế phải có năng lực dự phòng và năng lực phát hiện sớm và kịp thời các F0. Với các địa phương có đủ vaccine, năng lực này có thể sẽ đơn giản hơn.
Chẳng hạn, hiện TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước khi gần 100% người lớn đã được tiêm mũi 1, số người tiêm 2 mũi đạt gần 80%.
''Đây là tỷ lệ tiêm vaccine rất cao. Do đó doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin rằng nều người lao động là F0 thì khả năng trở nặng phải đi cấp cứu là rất thấp, chưa kể người lao động đa phần thuộc nhóm tuổi trẻ nên khả năng bệnh nặng là rất thấp. Như vậy, việc thành lập một đơn vị riêng để điều trị F0 tại doanh nghiệp là không cần thiết. Các năng lực y tế mà doanh nghiệp cần sẽ là đo nhiệt độ, kiểm tra các triệu chứng, rà soát sự tiếp xúc với các nguồn nghi lây nhiễm", chuyên gia khuyến nghị.
Doanh nghiệp theo đó cần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong đơn vị này để họ có kỹ năng thực hiện một số công việc, đặc biệt là công tác dự phòng như nhắc nhở công nhân đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, biết xác định mức độ nặng nhẹ của người bệnh bằng cách đo SP02...
Về phản ánh doanh nghiệp lúng túng trước "rừng" thông tin y tế liên quan đến dịch bệnh COVID-19, chuyên gia Thu Anh cho biết, giai đoạn vừa rồi có quá nhiều điều không dự báo được cũng như việc chính quyền, doanh nghiệp và cơ quan quản lý y tế chưa phối hợp được tốt với nhau khiến doanh nghiệp rối loạn về thông tin và cách ứng xử.
"Các hiệp hội doanh nghiệp có thể thành lập các nhóm và mời các chuyên gia y tế tới hỗ trợ doanh nghiệp tập hợp các thông tin mới nhất, thông tin nào là đơn giản nhất, dễ hiểu nhất để có thể treo ở trụ sở doanh nghiệp. Thực ra, Bộ Y tế đã có rất nhiều hướng dẫn nhưng nếu có người giúp doanh nghiệp tập hợp thông tin thì doanh nghiệp sẽ thuận tiện hơn", bà Thu Anh gợi ý.
Cùng chung quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết, về mặt hướng dẫn, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cơ bản và bản thân doanh nghiệp có thể tìm hiểu hướng dẫn để hình thành những thông tin và kiến thức nền cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, các cuộc họp giao ban giữa Ban IV và doanh nghiệp cho thấy phần quan trọng nhất là thông tin cập nhật. Do đó, bà Thủy đề nghị các doanh nghiệp và hiệp hội nên hình thành một thói quen mới là gắn kết với các chuyên gia y tế một cách định kỳ hơn. Thay vì tự tìm hiểu thì các doanh nghiệp có thể mời các chuyên gia y tế cập nhật thông tin hướng dẫn mỗi tháng một lần.
Cho rằng còn khoảng cách nhất định giữa hướng dẫn của bộ y tế và áp dụng thực tiễn tại doanh nghiệp, bà Thủy kiến nghị cơ quan quản lý cần hình thành cách thức thông tin hướng dẫn hiệu quả hơn để tách bạch giữa cơ chế chính sách chung với những phần hướng dẫn riêng cho doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực thi. Ngoài ra, trong chương trình hoạt động, cơ quan quản lý cũng cần chú trọng những chương trình gắn kết thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm