5 năng lực y tế doanh nghiệp cần có để thích ứng an toàn với COVID-19
DNVN - Việc thiết lập và nâng cao năng lực y tế là điều cần thiết với các doanh nghiệp để thích ứng an toàn và hiệu quả với đại dịch COVID-19.
Bà Rịa - Vũng Tàu ra mắt sàn thương mại điện tử du lịch / Chủ tịch FPT: Doanh nghiệp cần hành động nhanh hơn COVID-19 để vượt đại dịch
Tại buổi tư vấn có chủ đề "Thiết lập và nâng cao năng lực y tế DN" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - ViEF 2021 do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng Báo Điện tử VnExpress tổ chức chiều 31/10, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) đã chia sẻ về định hướng cũng như giải pháp thiết lập và phát triển năng lực y tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sớm thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19,
Chuyên gia Thu Anh cho rằng, năng lực đầu tiên DN cần có là việc hiểu rõ nguy cơ lây lan và bùng phát dịch tại địa phương - nơi DN đặt trụ sở, cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh ở nội bộ DN. Để hiểu được điều này, các DN phải theo dõi thường xuyên các số liệu về tình hình dịch bệnh tại địa phương cũng như hiểu tính chất công việc liên quan đến nguy cơ lây nhiễm của người lao động (NLĐ). Phải hiểu được NLĐ của DN đang thuê nhà, sinh sống, sinh hoạt ở đâu? Họ có nguy cơ tiếp xúc với bên thứ ba ở ngoài DN của NLĐ hay không? DN cũng cần hiểu các thói quen và hành vi của NLĐ...
"Khi DN có kiến thức và có năng lực đánh giá định kỳ về nguy cơ sẽ có phản ứng kịp thời, qua đó hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Thu Anh nói.
Chuyên gia Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia).
Thứ hai là năng lực dự phòng lây lan virus trong DN. Tức là DN phải biết cách chia nhóm NLĐ để giảm nguy cơ tiếp xúc, giảm tối đa nguy cơ lây lan từ nhóm này sang nhóm khác. Đồng thời áp dụng các biện pháp để giảm nguy cơ lâu lan khác như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách...
Năng lực thứ 3 rất quan trọng là phải phát hiện sớm F0 và khi phát hiện F0 cần cách ly nhanh chóng để hạn chế tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ 4 là năng lực giám sát mà người sử dụng lao động cần biết để xem các hoạt động về dự phòng, phát hiện sớm và hiểu về nguy cơ lây lan đã được thực hiện đúng theo quy định hay chưa.
Năng lực thứ 5 là hiểu rõ quy định pháp luật việc DN cần phải làm gì để phòng, chống dịch bệnh như Quyết định 2194 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hay hướng dẫn 5522 của Bộ Y tế trực tiếp liên quan đến khối DN...
Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp chưa có đầy đủ vaccine tại địa phương DN đang hoạt động, mỗi DN cần phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19, và trong Ban chỉ đạo này phải có bộ phận y tế. Bộ phận y tế phải có năng lực dự phòng và năng lực phát hiện sớm và kịp thời các F0. Khi đã có đầy đủ vaccine thì không cần thiết phải quá nhiều năng lực như vậy. Khi đã có vaccine, việc lây nhiễm dù có xảy ra nhưng đã giảm đi rất nhiều và kể cả có lây nhiễm thì F0 cũng không bị bệnh nặng. Do đó, năng lực y tế của DN được giảm đi rất nhiều.
"DN cần thiết lập và nâng cao năng lực y tế tùy theo giai đoạn của dịch bệnh, tùy theo tốc độ tiêm vaccine. Nhìn chung, cần có một bộ phận y tế tại DN hoặc DN liên kết với bộ phận y tế địa phương để xử trí khi DN có F0. DN cần có sự chủ động tìm hiểu và đánh giá bối cảnh bên ngoài, đặc điểm nội bộ DN, hiểu bài toán liên quan đến sinh hoạt và hành vi của NLĐ. Tiếp đó là hình thành năng lực một cách chủ động để có thể dự phòng và xử trí khi có F0, F1 và giám sát các hoạt động có tính rủi ro trong DN", bà Thu Anh khuyến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo