Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhà nước chơi khó doanh nghiệp tư nhân

Với lý do tái cơ cấu KCN Bình Chiểu (Thủ Đức, TPHCM) theo hướng chuyển đổi từ hình thức cho thuê đất sang đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng, TCty Bến Thành TNHH MTV - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã đẩy các doanh nghiệp khác vào thế khó, hàng nghìn người LĐ có nguy cơ mất việc.

Doanh nghiệp Việt chính thức được hỗ trợ bán hàng Trên Amazon / Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp nhỏ và vừa

TCty Bến Thành (trực thuộc UBND TPHCM) đầu tư xây dựng và quản lý khu công nghiệp (KCN) Bình Chiểu rộng 27,34 hécta từ năm 1996. Đây được coi là KCN đầu tiên của cả nước thí điểm mô hình KCN tập trung.
KCN Bình Chiểu có lợi thế nằm tại trung tâm quận Thủ Đức, rất gần với khu công nghệ cao Hi-tech Park, có kết nối giao thông thuận lợi với sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, quốc lộ 1 và các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong Khu Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 20 năm hoạt động, với lý do mô hình KCN Bình Chiểu đã trở nên lỗi thời, hiệu quả không được như kỳ vọng, TCty Bến Thành đòi tái cơ cấu hoạt động của KCN Bình Chiểu theo hướng chuyển đổi từ hình thức cho thuê đất sang đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng; thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và phù hợp với tính chất của một KCN nhỏ nằm trong khu vực có mật độ dân cư cao.
Thế nhưng mục tiêu lợi nhuận của Cty Bến Thành lại đẩy cái bất lợi sang các doanh nghiệp đang thuê đất trong KCN Bình Chiểu và khiến hàng nghìn lao động đang làm việc tại đây có nguy cơ mất việc làm.

Hàng ngàn người lao động trong KCN Bình Chiểu có nguy cơ mất việc làm do DN không được tiếp tục thuê đất.

Hàng ngàn người lao động trong KCN Bình Chiểu có nguy cơ mất việc làm do DN không được tiếp tục thuê đất.

Hiện trong KCN Bình Chiểu có 5 DN đã hết hạn hợp đồng thuê đất. Tổng số lao động của 5 doanh nghiệp gần 3.000 người, trong đó đơn vị có nhiều người lao động nhất là Cty TNHH TM&SX Trường Lợi. Cty Trường Lợi hiện thuê hơn 3ha, trong đó có hơn 20.000 m2 nhà xưởng và văn phòng được đầu tư xây dựng từ năm 1998. Việc phải di dời trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến đời sống việc làm của hơn 1.300 công nhân đã gắn bó lâu năm với Cty.
Ông Đoàn Sỹ Lợi - Giám đốc Cty Trường Lợi cho hay, chủ trương của Chính phủ khi kêu gọi các DN đầu tư vào các KCN, để hoạt động ổn định lâu dài nên chúng tôi mới vào thuê đất. Tuy hợp đồng thuê đất với TCty Bến Thành là 20 năm, năm 2018 là hết hạn hợp đồng nhưng trong hợp đồng có nội dung rất rõ “khi hết hạn hợp đồng, nếu bên B (Cty Trường Lợi) có nhu cầu muốn tiếp tục thuê đất của bên A (TCty Bến Thành) thì 2 bên sẽ thỏa thuận lại 6 tháng trước khi hợp đồng hết hạn, giá tiền thuê đất trong thời gian gia hạn thêm sẽ được 2 bên thỏa thuận lại”. Thế nhưng, năm 2016, Cty Trường Lợi đã nhận được thông báo là TCty Bến Thành sẽ không tái ký hợp đồng cho thuê đất. Trước thông báo đó, phía Trường Lợi đã nhiều lần đề nghị được tiếp tục gia hạn nhưng không được đồng ý.

Việc ép các DN đang thuê đất trong KCN Bình Chiểu không chỉ gây khó khăn cho người lao động mà còn khiến các doanh nghiệp tư nhân phá sản.

Việc ép các DN đang thuê đất trong KCN Bình Chiểu không chỉ gây khó khăn cho người lao động mà còn khiến các doanh nghiệp tư nhân phá sản.

Theo ông Lợi, Cty thuê đất (34.000 m2) năm 1998 nhưng đến năm 2000 mới hoạt động và đầu tư chi phí nhà xưởng, hạ tầng rất lớn đến nay chưa khấu hao hết (20.000 m2 nhà xưởng, máy móc, thiết bị…). Nếu phải di dời qua chỗ mới phải đầu tư lại từ đầu với chi phí dự kiến trên 100 tỷ đồng và mất 2 năm mới đi vào sản xuất ổn định. Với thời gian như vậy thì các hợp đồng với các đối tác ở nước ngoài sẽ bị đứt quãng gây tổn thất về kinh tế rất lớn cho Cty. Điều đáng lo của ông Lợi là nếu di dời địa điểm xa hơn thì CN không thể theo làm, Cty phải tuyển dụng mới và đào tạo lại.
“Chúng tôi đề nghị được gia hạn đến năm 2020 để có thể thực hiện xong các hợp đồng đã ký kết và chuẩn bị cho việc di dời nhưng vẫn không được TCty Bến Thành đồng ý. Họ chỉ gia hạn đến hết năm 2019 và áp giá giá thuê đất là 12 USD/m2/năm, tăng 11 USD so với giá cũ, trong khi giá thị trường chúng tôi tham khảo chỉ từ 4-5 USD/m2/năm”, với giá thuê đó, chẳng khác nào “ép” chúng tôi phải di dời ngay mà không quan tâm đến việc chúng tôi sống chết thế nào”, ông Đoàn Sỹ Lợi nói.
Theo Đoàn Sỹ Lợi – Giám đốc Cty Trường Lợi, qua tìm hiểu từ thông tin báo chí được biết Quyết định 1026/QĐ-UBND ngày 11/3/2015 về thực hiện thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng trong các KCX, KCN, Khu công nghệ cao giai đoạn 2015-2018 chỉ được thực hiện tại KCN Hiệp Phước, Đông Nam, KCX Tân Thuận, Linh Trung và Khu Công nghệ cao. Như vậy, KCN Bình Chiểu không nằm trong danh mục thí điểm mô hình này theo quyết định trên. TCty Bến Thành dựa vào căn cứ nào để thực hiện việc xây nhà xưởng cao tầng? “Vì vậy, doanh nghiệp chúng tôi nghi ngờ rằng phía TCty Bến Thành lấy lại đất tại KCN Bình Chiểu là để kinh doanh bất động sản chứ không phải để xây nhà xưởng cao tầng vì không có phê duyệt của cơ quan chủ quản là UBND TPHCM”.

Văn bản của Tổng Liên đoàn lao động VN gửi Ủy ban ND TPHCM.

Văn bản của Tổng Liên đoàn lao động VN gửi Ủy ban ND TPHCM.

Được biết hiện Tổng Liên đoàn lao động VN đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục cho Cty Trường Lợi thuê đất hoặc tạo điều kiện tốt nhất để Cty có thời gian di dời, sắp xếp lao động… Hiệp hội Da – Dày – Túi xách VN (Lefaso) cũng đã có kiến nghị vụ việc của Cty Trường Lợi lên Chính phủ và đề nghị cần có chính sách, giải pháp dài hạn để đảm bảo quyền lợi cho các DN trong ngành.
Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho biết, Cty TNHH TM&SX Trường Lợi là hội viên của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, là DN tiêu biểu trong hoạt động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của Hiệp hội, ngành Da - Giày, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động, hoạt động ổn định 20 năm qua.
“Cho nên việc Cty Trường Lợi có nguy cơ phá sản chỉ vì không được tiếp tục gia hạn thời gian thuê đất ở KCN Bình Chiểu là điều khiến Hiệp hội và các DN cùng ngành rất lo lắng bởi trước sự cạnh tranh, thách thức như hiện nay, DN da giày sẽ khó có thể trụ lại ở các vị trí như TPHCM. Nhiều DN sắp hết hạn hợp đồng thuê đất hoặc không thương lượng được giá thuê đất mới cũng sẽ lâm vào cảnh khó khăn, ảnh hưởng đến ngành da giày nói chung. Trong khi đó, các DN trong ngành da giày hiện nay đang mang đến công ăn việc làm cho rất nhiều lao động”, bà Xuân nói.
Nam Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo