Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ trong 'cuộc đua' chuyển đổi số

Thị trường hậu dịch Covid-19 lần 2 ở Việt Nam đang có những biến động trước xu hướng số hoá và thành công sẽ thuộc về doanh nghiệp (DN) nào biết chuyển động trước thời cuộc, chạy đua “nước rút” nắm bắt nhu cầu khách hàng một cách linh hoạt. Trong bối cảnh đó, các DN nhỏ và vừa không thể nằm ngoài cuộc đua này.

Vinamilk giải bài toán tăng trưởng đi đôi phát triển bền vững cho hệ thống trang trại bò sữa / Mai Linh là một trong 10 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2020

Mới đây, một liên minh chuyển đổi số giữa các DN trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) với các DN vừa và nhỏ (SME) đã được thành lập ở Tp.HCM nhằm giúp các SME vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Liên minh chuyển đổi số

Đây được cho là một bước đi quan trọng để hỗ trợ các SME thay đổi, sẵn sàng cho mô hình kinh doanh trực tuyến (online) và xây dựng nền tảng cho tương lai.

Ông Trương Gia Bảo, chủ tịch của liên minh này, cho biết: Các SME hiện nay chưa tìm được cách tiếp cận online bài bản, đúng hướng nên chúng tôi cố gắng tạo ra một chương trình khung để họ có thể hiểu được phần chuyển đổi số tổng thể, đơn giản nhất.

HINH-1806-1601592651.jpg

Trước chuyển động thời cuộc thì các DN vừa và nhỏ cần thích ứng với cuộc đua chuyển đổi số.

“Đơn giản nhất là việc bắt đầu bằng một chương trình tư vấn và huấn luyện kiến thức kinh doanh online và chuyển đổi số cho các SME. Chúng tôi tập trung vào nghiệp vụ bán hàng, marketing, cách chăm sóc khách hàng online như thế nào…”, ông Bảo nói.

Theo vị này, đây là những giải pháp giúp ích trực tiếp cho các SME trong việc bán hàng, cải thiện doanh thu giữa dịch Covid-19. Mặt khác, các DN sẽ được “chẩn đoán” online nhằm đo được mức độ hiển thị về tên thương hiệu, hình ảnh của DN trên Internet.

Điều đó sẽ giúp cho DN nhận thức tổng thể mình đang đứng ở đâu, các đối thủ đang phát triển online ra sao. Đây là động lực giúp DN có thể cải tiến, phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Cũng nên lưu ý là trong báo cáo chỉ số TMĐT 2020 cho thấy phần lớn DN vẫn chưa thực sự chú trong vào việc đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động.

Xét về quy mô DN thì nhóm DN lớn có tỷ trọng đầu tư vào việc xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động đa số dao động từ 20% - 50% trong tổng số vốn đầu tư cho TMĐT. Trong khi đó, nhóm các SME thì đa số đều đầu tư ở mức dưới 20% (63% DN vừa và nhỏ đầu tư dưới 20%).

 

Nhận định gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) trước vấn đề “trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao” có lưu ý là mặc dù Việt Nam được biết đến trong lĩnh vực xuất khẩu năng động, nhưng phát triển về kỹ thuật số lại chưa bắt kịp.

Và để ứng phó với khủng hoảng Covid-19, các cấp có thẩm quyền lúc này nên bắt tay vào hàng loạt cải cách, bao gồm đẩy mạnh sử dụng công cụ số hóa, đặc biệt là đối với các SME vốn chiếm tới 98% trong tổng số DN ở Việt Nam.

Nhất là Covid-19 đã thúc nhanh quá trình chuyển đổi từ giao dịch bằng tiền mặt sang hệ thống thanh toán điện tử. Động thái đó có thể được đẩy nhanh bằng cách cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau gia nhập thị trường tài chính công nghệ số.

Thích ứng cuộc đua “nước rút”

Giới chuyên gia cho rằng yêu cầu chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề ở Việt Nam chưa bao giờ cấp bách đến như vậy hòng đảm bảo rằng các SME có thể chuyển dịch từ mô hình kinh doanh “nhiều chạm” sang “ít chạm” và thậm chí là “không chạm”.

 

Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Mobile Marketing cho thấy các dịch vụ kỹ thuật số đã tăng trưởng nhờ nhiều khách hàng lần đầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong mùa dịch.

Việc khách hàng chuyển sang tương tác trực tuyến sẽ thúc đẩy các SME đầu tư nhiều hơn vào việc số hóa các quy trình cốt lõi. Và giờ đây, nhiều SMEtrong nước coi số hóa là chìa khóa giúp họ tăng trưởng bền vững.

Riêng với lĩnh vực TMĐT, Ts. Đoàn Bảo Huy (Đại học RMIT) nhấn mạnh đến việc nắm bắt cơ hội. Thị trường TMĐT đang chuyển động mạnh mẽ và thành công sẽ thuộc về những nhà cung cấp biết tái cấu trúc hoạt động và nắm bắt nhu cầu khách hàng một cách linh hoạt.

Về lâu dài, để thành công trong kinh doanh TMĐT khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay, các SME không thể chỉ tập trung vào tăng trưởng mà cần phải chú trọng vào cơ sở hạ tầng.

Tại Việt Nam nói riêng, theo Ts. Huy, vai trò của mạng xã hội đặc biệt lớn trong giai đoạn khách hàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định mua hàng. Theo báo cáo gần đây của Facebook, có đến 48% người mua hàng tại Việt Nam tìm kiếm sản phẩm mới qua mạng xã hội và 53% sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu TMĐT mới.

 

“Xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay chú trọng tăng cường tính cá nhân hoá, tương tác và xã hội hoá. Nhà cung cấp dịch vụ nào không đáp ứng được những nhu cầu này sẽ nhanh chóng bị đào thải”, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu gần đây của iPrice và Parcel Performance, 34% người dùng TMĐT trong khu vực vẫn chưa hài lòng với chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện mà họ nhận được.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy trung bình phải mất 5-6 ngày sản phẩm mới được chuyển phát đến tay người mua - tốc độ giao dịch chậm thứ hai trong khu vực.

Nhận thấy nhu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng và kịp thời, các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua “nước rút” để cải thiện tốc độ giao hàng bằng nhiều chiến lược khác nhau về cơ sở hạ tầng giao hàng. Và các SME nếu không muốn bỏ lại phía sau thì cũng phải thích ứng với cuộc đua này.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm