Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt cần làm gì trong bối cảnh hội nhập toàn cầu?

Doanh nghiệp phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám “đương đầu” với hội nhập để vươn ra “biển lớn”.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Thời gian qua, nước ta đã đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), FTA Bắc Mỹ (NAFTA), FTA Australia - Hoa Kỳ (AUSFTA)...

Việc tham gia các FTA cũng như các tổ chức Quốc tế khác mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các DN, trong đó có DNNVV, cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam với các đối tác thương mại trên thế giới. Đồng thời, thông qua việc thực thi các cam kết, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để DN tự do sáng tạo, phát triển kinh tế, làm giàu cho DN và cho đất nước.

Ảnh minh họa

Thực tế thời gian qua, sau khi Việt Nam tham gia các FTAthì nguồn vốn ODA và FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam về giá trị ngày được nâng cao. Từ đó, môi trường kinh doanh cho DNNVV liên tục được cải thiện do nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Mặc dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, DNNVV vẫn còn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc công ty Tri thức hậu cần, thành viên Ban Đào tạo của Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, do quy mô vốn nhỏ nên các DNNVV không có điều kiện đầu tư nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. Trong khi đó, nguồn vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với các DNNVV, nhưng thực tế nhóm DN này rất khó tiếp cận vì thiếu tài sản đảm bảo, năng lực hạn chế... Ngoài ra, các DNNVV không đủ tiềm lực để thu hút, nuôi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự phát triển của DN.

Cùng với đó, những vấn đề khác như sự hiểu biết về luật pháp, việc nắm bắt thông tin hội nhập kinh tế quốc tế, thông tin về các FTA cũng là vô cùng quan trọng vì nó có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phát triển của DN. Nhưng trên thực tế, không ít DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ hiểu biết về những điều này, hoặc thậm chí ít quan tâm về những lợi thế mà FTA và các tổ chức kinh tế khác (CPTPP, AEC…) mà Việt Nam đã gia nhập mang lại.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ DN Việt Nam hiểu và sẵn sàng tham gia vào các “sân chơi lớn” như Hiệp định CPTPP, AEC là chỉ khoảng 20 - 30%. Hầu hết các DN gần như “mù tịt” về những tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia. Thậm chí, có tới 60 - 70% DN được khảo sát cho rằng, các hiệp định này… không mấy ảnh hưởng đến họ!

Bàn về vấn đề này, ông Tạ Trần Trọng - Trường Đại học Văn Hiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, cần có những chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, hỗ trợ DNNVV Việt từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt mang tầm khu vực và thế giới, tăng cường hợp tác liên kết khu vực DN trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy các DNNVV tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu, kinh doanh hiệu quả gắn liền với bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung chính sách, hành lang pháp lý tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DNNVV phát triển, nâng cao nhận thức cho DNNVV thông qua công tác đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về các khía cạnh, lĩnh vực cam kết của các Hiệp định WTO, TPP và FTA… Đặc biệt, cần có những quy định thông thoáng hơn để các DN tư nhân, các DNNVV có thể tiếp cận được các nguồn vốn một cách hợp lý.

 

“Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, DNNVV cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong các FTA như CPTPP, EVFTA… từ đó có thể tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để DN phát triển. Nhưng quan trọng nhất, trước tiên DN phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám “đương đầu” với hội nhập để vươn ra “biển lớn” – ông Trọng phân tích.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm