Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát triển công nghiệp: Cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp triển vọng

DNVN - Tại TP.HCM, phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu vẫn chưa tương xứng tiềm năng, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về công nghệ. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm vẫn còn thấp.

Samsung, Huawei và Apple vẫn là ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới / Đào tạo nguồn lực lao động: Cung vẫn chưa "khớp" cầu

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia nêu ra tại Hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển” do UBND TP.HCM tổ chức mới đây.

Quy mô sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh

Theo Sở Công thương TP.HCM, thời gian qua, công nghiệp trên địa bàn thành phố có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn cũng như cả nước.

Trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố ước đạt 7,9%. Đây là năm thứ 9 liên tục, TP.HCM duy trì mức tăng trưởng trên 7%. Nếu xét về giá trị gia tăng công nghiệp, ngành công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Quy mô sản xuất công nghiệp tại TP.HCM tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

Quy mô sản xuất công nghiệp tại TP.HCM tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo của thành phố chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo cả nước, cụ thể, giá trị tăng thêm chiếm 28,62% cơ cấu cả nước, số lượng doanh nghiệp doanh nghiệp chiếm hơn 30%, lao động chiếm gần 17%.

Công nghiệp có đóng góp quan trọng trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn ngành công nghiệp.

Thực tế cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) từ năm 2015 đến nay ước tăng trung bình 7,66% và có xu hướng tăng cao dần qua các năm. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô sản xuất công nghiệp thành phố ngày càng mở rộng, các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đối với 4 nhóm ngành công nghiệp (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng; công nghiệp thời trang ngành dệt may - da giày,... trong thời gian tới, TP.HCM sẽ chuyển dịch dần từ hoạt động gia công lắp ráp, thâm hụt lao động sang hoạt động sản xuất, tiến đến xuất khẩu.

 

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục phát triển khu công nghiệp công nghệ cao; bố trí sản xuất vào khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - tin học; hạn chế thu hút các dự án đầu tư mới thâm dụng lao động phổ thông.

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố trong thời gian qua đã có sự phát triển tích cực. Về số lượng và giá trị của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống đã tăng lên rõ rệt.

 

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như việc công ty Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của công ty Lập Phúc đủ tiêu chuẩn cung cấp cho Colgate;...

Từ đó, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng công nghiệp từng bước được cải thiện theo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực cũng có sự đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng.

Khơi thông vướng mắc để tiếp tục phát triển

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo, tăng trưởng ngành công nghiệp của thành phố chỉ duy trì trong ngắn hạn. Về lâu dài, TP.HCM cần phải có sự thay đổi nếu muốn duy trì đà tăng trưởng như hiện nay.

Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu vẫn chưa tương xứng tiềm năng.

 

Phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về công nghệ. Sức cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm vẫn còn thấp. Ngoài quỹ đất chưa dành dành cho công nghiệp, tính liên kết giữa doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

“Với hơn 97% doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy năng lực tài chính, nguồn nhân lực hạn chế trong việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, quản trị, năng suất chất lượng còn thấp” ông Đông lý giải.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnhHội thảo: "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển”.

Để phát triển các ngành công nghiệp, ông Nguyễn Phương Đông đưa ra các giải pháp, gồm giải pháp về đất dành cho phát triển công nghiệp; hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; thu hút đầu tư; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực.

 

Còn ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thì cho rằng, các ngành kinh tế trọng điểm mà TP.HCM đang ưu tiên phát triển đã không còn phù hợp. Nếu muốn duy trì đà tăng trưởng trên 7% trong những năm tới thì thành phố cần điều chỉnh lại ngành công nghiệp ưu tiên cũng như phát triển thêm các ngành mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0.

Cụ thể, ngành hóa dược và nhựa - cao su là hai ngành có yếu tố nhạy cảm đối với môi trường, đòi hỏi diện tích quy mô nhà xưởng lớn, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng không cao. Hơn nữa, hiện nay quỹ đất thành phố đang ngày càng thu hẹp, kéo theo giá thuê đất đẩy lên rất cao, do đó những ngành trên sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM.

Về giải pháp để ngành công nhiệp tiếp tục phát triển, PGS.TS. Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM cho rằng, thành phố cần nghiên cứu và ban hành cơ chế khuyến khích để thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành.

 

Trong đó, đặc biệt chú trọng cơ chế khuyến khích thông qua việc hỗ trợ các dự án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa, ứng dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và quản lý, điều hành.

Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM cũng kiến nghị, với ngành công nghiệp điện tử, Nhà nước cần sớm ban hành các biện pháp bảo vệ thị trường điện-điện tử tiêu dùng.

Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng.

Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cần xây dựng các trung tâm hoặc viện công nghệ công nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo mô hình của Viện công nghệ công nghiệp KITECH của Hàn Quốc.

"Các trung tâm hoặc viện này hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự cân đối kinh phí hoạt động theo hình thức đối tác công tư PPP, xã hội hóa", ông Quốc trình bày.

 

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm