Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu nhân lực để chuyển đổi xanh

DNVN - Chuyển đổi xanh theo ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu... Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp những thách thức như thiếu vốn, thiếu nhân sự chuyên môn về giảm phát thải và khó khăn trong tiếp cận thông tin.

Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí / Doanh nghiệp thực phẩm lo quy định bổ sung i-ốt gây trở ngại lớn cho xuất khẩu

Thông tin tại tọa đàm “Chuyển đổi xanh theo ESG: Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực” do Báo Dân trí tổ chức ngày 19/11 tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi xanh theo ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: tăng doanh thu, tạo lợi thế cạnh tranh; tác động tích cực đến thương hiệu; thu hút nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư xanh…Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh còn gặp nhiều thách thức về nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải hay việc tiếp cận thông tin còn khó khăn...

Thậm chí, trong một báo cáo gần đây của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), hơn 60% trên tổng số 2.700 doanh nghiệp được khảo sát cho biết chưa chuẩn bị gì cho quá trình chuyển đổi xanh. Nhiều doanh nghiệp khác khi được hỏi cũng tỏ ra lúng túng với câu chuyện chuyển đổi xanh, không biết bắt đầu từ đâu và phải làm gì?...

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm

Các diễn giả trao đổi tại toạ đàm

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) nhấn mạnh, đại bộ phận doanh nghiệp của chúng ta là nhỏ và vừa, cho nên nguồn lực và điều kiện của doanh nghiệp có những giới hạn nhất định. Tuy vậy, việc thực hiện ESG, thực hiện chuyển đổi xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp đạt được phát triển bền vững.

Để chuyển đổi xanh doanh nghiệp phải chuẩn bị về nguồn vốn, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị cung cấp các giải pháp và rất cần sự chuyển giao công nghệ và sự huấn luyện đào tạo của các bên cung cấp giải pháp. Song doanh nghiệp phải tự chuẩn bị nguồn lực để nhận chuyển giao. Vì sau khi chuyển giao xong phải vận hành, duy trì hoạt động thì mới bảo đảm được tiêu chí xanh. Đó là chưa kể còn lồng ghép giữa chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, với truy xuất nguồn gốc, với sàn giao dịch…Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo đội ngũ để có được nhận thức, có đủ kiến thức nghiệp vụ.

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group thừa nhận, các doanh nghiệp phải bắt tay vào làm chuyển đổi xanh. Phát triển bền vững, thực thi ESG là xu hướng, nếu doanh nghiệp không nằm trong dòng chảy đó sẽ sớm bị đào thải.

Theo ông Phạm Việt Anh, TS Quản trị kinh doanh bền vững, nghiên cứu sinh về phát triển bền vững và ngoại giao, chuyển đổi xanh là một trong 17 mục tiêu chiến lược của Liên Hợp quốc. Khi nói đến chuyển đổi xanh là chiến lược dài hạn, buộc phải đầu tư chứ không phải là chi phí. Do vậy, khi nhìn dài hạn là nhìn vào cơ hội, chuyển đổi bền vững là cuộc đua marathon. Đầu tư dài hạn là đầu tư vào nền tảng bên trong và ngoài doanh nghiệp bởi phát triển bền vững là sự kết hợp giữa doanh nghiệp và chuỗi cung ứng, hệ sinh thái.

 

Lê Hoa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm