Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp tìm hướng đi bền vững cho hàng Việt xuất ngoại

DNVN - Sau 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thương mại song phương đã đạt những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng từ các rào cản phi thuế quan đến tiêu chuẩn khắt khe của EU.

Đẩy mạnh đưa thực phẩm Halal ra thế giới / Phát triển du lịch đường sông gắn làng nghề gạch gốm Mang Thít

Thách thức gia tăng

Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt nhiều thành tựu ấn tượng sau 4 năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này ước đạt hơn 200 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng từ 12% đến 15%/năm.

Riêng năm 2023, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã đạt hơn 48 tỷ euro, tăng mạnh so với mức 35 tỷ euro vào năm 2019, thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm: điện tử và linh kiện, dệt may và giày dép, nông sản và thủy sản.

Tại hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chủ đề "Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu" ngày 18/11, ông Đinh Sỹ Minh Lăng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hầu hết các quốc gia EU đều ghi nhận mức tăng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam kể từ năm 2021. Hai thị trường tiêu biểu là Hà Lan và Đức, vốn là cửa ngõ thương mại lớn của EU, đã đạt mức tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc ở các nhóm hàng như cà phê và sản phẩm công nghiệp chế biến.


Theo giới chuyên gia, xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu đem lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.

Dựa trên phân tích thực tế về nhóm mặt hàng cà phê xuất khẩu sang thị trường Hà Lan và Đức, ông Đinh Sỹ Minh Lăng (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương) nhận định rằng xuất khẩu chính ngạch mang lại nhiều lợi thế vượt trội hơn so với xuất khẩu không chính ngạch.

Xuất khẩu không chính ngạch tuy có lợi thế về thủ tục đơn giản, nhanh chóng và chi phí thấp hơn do không chịu nhiều loại thuế, phí, nhưng lại đi kèm với hàng loạt rủi ro đáng kể. Những rủi ro này bao gồm: khó kiểm soát chất lượng hàng hóa, dẫn đến chất lượng không đồng đều, làm suy giảm uy tín của thương hiệu Việt Nam; nguy cơ cao xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật; hàng hóa bị giới hạn tại các thị trường nhỏ lẻ hoặc khu vực biên giới, không nhận được sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước và khó bảo đảm tính bền vững trong cạnh tranh lâu dài.

Thị trường EU mang lại cơ hội lớn nhưng cũng đi kèm với các rào cản ngày càng phức tạp. Ông Nguyễn Thành Hưng - chuyên gia tư vấn cao cấp về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), chỉ ra một loạt quy định mới mà EU áp dụng.

Trong đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 10/2024 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Quy định về chuỗi cung ứng bền vững yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, châu Âu ăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt với nông sản và thực phẩm chế biến.

Ngoài ra, những rủi ro pháp lý, gian lận thương mại và sự cạnh tranh không lành mạnh cũng khiến doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn. Gần đây, một số lô hàng xuất khẩu bị lừa đảo đã khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn, làm nổi bật tầm quan trọng của việc thẩm định đối tác nhập khẩu.

Hướng đi bền vững cho doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì đà tăng trưởng, việc vượt qua các thách thức và đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ thị trường EU vẫn là bài toán lớn mà doanh nghiệp cần giải quyết.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng khuyến nghị, doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, HACCP và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng bền vững. Việc đầu tư vào công nghệ và nâng cao kỹ năng đội ngũ nhân viên sẽ giúp sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU.

Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu về thị trường mục tiêu, các tiêu chuẩn và quy định cụ thể. Việc xây dựng chiến lược bài bản, từ xác định khách hàng đến lập kế hoạch tài chính, sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực.

Cùng với việc lựa chọn phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng (L/C), cần thẩm định kỹ lưỡng năng lực và uy tín của đối tác. Lưu trữ đầy đủ thông tin giao dịch và hợp đồng, đặc biệt khi sử dụng phương tiện điện tử.

Trong khi đó, ông Neil Như Nguyễn - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Xuất nhập khẩu Việt Nam - châu Âu, nhấn mạnh việc doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ thương mại quốc tế với kế hoạch cụ thể. Việc chuẩn bị tài liệu tiếp thị bằng tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương giúp tạo ấn tượng tốt với khách hàng tiềm năng.

Doanh nghiệp nên tham gia các hiệp hội ngành hàng và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức tư vấn. Nhà nước cũng đang cung cấp nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính và thông tin thị trường để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Còn ông Nguyễn Thành Hưng lưu ý, để thành công, doanh nghiệp cần chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường EU. Các rào cản thương mại từ EU sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi doanh nghiệp Việt không ngừng đổi mới, từ chiến lược sản xuất, quản trị chất lượng đến kỹ năng tiếp cận khách hàng. Việc chủ động thích nghi và áp dụng các giải pháp hiệu quả sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam vững vàng chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm