Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi cước phí vận tải biển tăng 30%

Một số doanh nghiệp thủy sản phản ánh rằng, do các hãng tàu biển bắt đầu tăng phí vận tải 135 - 220 USD mỗi container nên chi phí xuất hàng tăng 30%.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ thực thi các tiêu chuẩn khí thải mới để hạn chế tình trạng ô nhiễm do các con tàu trên thế giới gây ra. Trong bối cảnh hướng đến ngành năng lượng sạch, IMO cấm các tàu vận chuyển sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn 0,5%, so với mức 3,5% hiện nay. Nhiên liệu hàng hải được sử dụng phổ biến nhất có hàm lượng lưu huỳnh khoảng 2,7%.

Như vậy, theo tính toán của Công ty quản lý tài sản Macquarie (Australia) khi IMO áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với tàu biển, các hãng tàu buộc thay đổi nhiên liệu và điều này sẽ làm tăng khoảng 30% chi phí vận tải đường biển.

Doanh nghiệp thủy sản kêu khó vì cước vận tải biển tăng 30%.Có thể bạn quan tâm

Vào tháng 10/2019, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng nhận được thông báo từ các hãng tàu về việc áp dụng phụ phí lưu huỳnh thấp - LSS đối với tất cả các container hàng theo quy định IMO.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, hàng năm, các hãng tàu đều tăng phí với các mức tăng khác nhau không có lộ trình và không thống nhất giữa các hãng. Mức phí này tăng trung bình từ 135 - 220 USD/container.

Ước tính, với hàng thủy sản xuất và nhập khẩu đi Nhật Bản, doanh nghiệp phải trả thêm khoảng 240 USD/container, tức cước phí tăng khoảng 30%. Điều này đội thêm chi phí lớn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Trước đó, vào tháng 6/2019, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp vận biển quốc tế tại phía Bắc (tại Hải Phòng) và phía Nam (tại Khánh Hòa) để phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của quốc tế liên quan đến vận tải biển. Trong đó có thông báo về việc từ ngày 01/01/2020 tàu biển chạy tuyến quốc tế phải đáp ứng tiêu chuẩn dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% của IMO.

Tại hội nghị này, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho rằng, để thực hiện quy định khắt khe này của IMO, các hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như: lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh; chuyển sang dùng nhiên liệu MGO/MDO với chi phí cao hơn so với sử dụng nhiên liệu HFO (Heavy Fuel Oil) hoặc chuyển sang nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng LNG. Dù lựa chọn giải pháp nào, ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo