Chủ động đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ để đẩy mạnh xuất khẩu
Doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí / Đà Nẵng: Hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Hội chợ Xuân 2025
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 647,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đạt gần 335,6 tỷ USD, tăng 14,9%, trong khi nhập khẩu đạt 312,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với mức 23,3 tỷ USD. Đáng chú ý, có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng giá trị xuất khẩu.
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tổ chức ngày 15/11 tại Hưng Yên, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường lớn đều ghi nhận sự phục hồi tích cực. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với xu hướng giảm tốc của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, đặt ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Các thị trường lớn ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, tập trung vào các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, giá cước vận tải biển vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí logistics. Những tác động từ siêu bão Yagi đối với sản xuất trong nước làm gia tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển, khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các quy định khắt khe ở thị trường quốc tế. Thêm vào đó, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn tín dụng xanh, dẫn đến sức ép về chi phí và rủi ro tỷ giá gia tăng.
Dự báo cho năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định thị trường thế giới có xu hướng ổn định hơn. Lạm phát giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi, cùng với hiệu quả của các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là động lực quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo và xây dựng chiến lược dài hạn. Việc đầu tư vào công nghệ, nhân lực và tận dụng các FTA để mở rộng thị trường là cần thiết. Các doanh nghiệp cần chú trọng ứng dụng công nghệ số để tăng năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp, cũng như triển khai các phương án dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro từ biến động thị trường.
Trong lĩnh vực logistics, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), khuyến nghị các doanh nghiệp áp dụng giải pháp kho bãi linh hoạt, logistics xanh, đa dạng hóa phương thức vận tải để giảm chi phí và tối ưu hóa thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng và hợp tác với các đối tác trong chuỗi để tận dụng lợi thế quy mô.
Tại sự kiện, các đại biểu kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh xây dựng các cơ chế, chính sách thích ứng với xu hướng toàn cầu. Việc cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA và xây dựng các sáng kiến giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị là những ưu tiên hàng đầu.
Ngành ngân hàng cũng cần vào cuộc tích cực hơn, với các giải pháp tài chính thông minh và linh hoạt để đảm bảo dòng vốn cho hoạt động xuất khẩu. Cần ưu tiên các khoản vay cho lĩnh vực xuất nhập khẩu và phát triển các sản phẩm tín dụng phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo