Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng từ dự án 36 triệu USD
DNVN - Tại Tọa đàm Hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân trong tình hình mới thông qua Dự án IPSC, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ nhiều vấn đề nóng, thực tiễn của DN hội viên.
Đà Nẵng: Tiếp tục tiên phong thí điểm chính sách thu hút các đoàn khách MICE trong năm 2022 / Bộ Công Thương khuyến cáo: Doanh nghiệp xuất khẩu đề phòng rủi ro trong thanh toán
36 triệu USD hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tư nhân
Chiều 25/2, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã tổ chức tọa đàm giới thiệu chi tiết về Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết: Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng trong hơn 3 thập kỷ qua. Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế...
Tuy nhiên, theo ông Trung, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, từ nhận thức đến hành động cụ thể để hỗ trợ DN khu vực tư nhân phát triển còn một khoảng cách dài.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, khu vực tư nhân cần được hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
Khu vực tư nhân của Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để đóng góp nhiều hơn nữa và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu bản thân các DN, doanh nhân sẵn sàng và đủ năng lực để đổi mới, nhận biết và nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đầu tư những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.
Ngày 18/1 vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và USAID đã chính thức khởi động Dự án IPS-C. Là dự án hỗ trợ kỹ thuật, IPS-C tập trung vào tăng cường năng lực cho các DN tiên phong và DN nhỏ đang tăng trưởng, bao gồm cả DN do nữ và các đối tượng yếu thế làm chủ.
Giới thiệu sâu về dự án, bà Lê Thị Thu Hiền - Trưởng Hợp phần liên kết DN và liên kết ngành, Dự án IPS-C cho biết, tổng kinh phí của dự án là 36,3 triệu USD. Đối tượng thụ hưởng là các DN Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs), DN tiên phong (PEs), các tổ chức hỗ trợ phát triển kinh doanh (BSOs).
Dự án hỗ trợ các DN giải quyết các vấn đề nội tại về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính. Mặc dù nguồn lực của Dự án IPS-C sẽ không thể bảo đảm để hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, với quy mô về số lượng DN mà Dự án dự kiến sẽ tiếp cận để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho tối thiểu 5.000 DN được tăng cường năng lực, 60 DN tiên phong, 240 DN vươn ra thị trường khu vực và quốc tế thành công. Từ đó sẽ tạo tác động lan toả các tri thức, kết quả và bài học thành công từ Dự án cho toàn bộ cộng đồng DN.
Theo bà Hiền, dự án sẽ triển khai 6 gói hỗ trợ dành cho SGBs và PEs. Bao gồm: Gói thích ứng và tăng trưởng, mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị Việt, số hóa hoạt động doanh nghiệp, tăng cường năng lực tài chính, kết nối mạng lưới - phát triển dịch vụ và gói giá trị Việt Nam - vươn ra thế giới.
Kỳ vọng gói hỗ trợ thiết thực
Dự án thiết kế gồm 4 hợp phần: hỗ trợ nâng cao năng lực nội địa của DN, hỗ trợ về đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ liên kết DN, hiệp hội.
Kỳ vọng gói hỗ trợ thiết thực
Tại tọa đàm, nhiều hiệp hội DN đã chia sẻ các vấn đề nóng, thực tiễn của DN hội viên để dự án cũng như Bộ Kế hoạch & Đầu tư nắm bắt nhằm thiết kế các gói hỗ trợ DN, hiệp hội thiết thực và phù hợp với nhu cầu.
Đại diện cho cộng đồng DN du lịch, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, du lịch và hàng không là hai ngành chịu tổn thất nhiều sau 2 năm đại dịch và đang có kế hoạch phục hồi du lịch.
Ông Hoàng Nhân Chính đưa ra nhiều đề xuất hỗ trợ DN du lịch.
Dù cho rằng dự án sẽ là nơi hỗ trợ các DN du lịch rất tốt nhưng ông Chính đề xuất dự án có thể giúp xây dựng một bộ tiêu chí về năng lực cạnh tranh cho DN du lịch. Bởi chỉ sau khi có bộ tiêu chí này mới có thể tìm cách cải thiện năng lực cạnh tranh cho DN du lịch.
Ông Chính đề xuất bổ sung thêm tiêu chí lựa chọn các DN tham gia dự án. Theo đó, dự án cần bổ sung tiêu chí chọn những DN nằm ở những tỉnh, thành là động lực để phát triển du lịch. Nếu hỗ trợ DN dàn trải trên cả 63 tỉnh, thành cả nước sẽ khó để hồi phục du lịch một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, đại diện TAB kiến nghị dự án giúp các DN du lịch khảo sát về các thị trường trọng điểm du lịch quốc tế đến Việt Nam. Qua đó có thể sử dụng kết quả khảo sát để dùng cho DN và các điểm đến, từ đó có cách tiếp cận mới và điều chỉnh để phục vụ khách tốt hơn. Như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của DN du lịch theo xu hướng thay đổi của khách hàng.
Ông Chính cũng bày tỏ mong muốn dự án hướng dẫn các DN du lịch mô hình, cách thức để DN cơ cấu lại thị trường khách hàng. Đồng thời hi vọng dự án quan tâm đến vấn đề đào tạo mới và đào tạo lại nhân viên tại các DN nhỏ và vừa. Bởi sau đại dịch, theo khảo sát có tới 50% nhân viên ngành du lịch bỏ việc.
Đánh giá cao dự án, đại diện một số hiệp hội DN mong muốn phối hợp với cán bộ dự án để hỗ trợ tốt nhất cho các DN thành viên về việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng lực số và dịch vụ số; nâng cao năng lực thực hiện đối thoại công tư và vận động chính sách; hỗ trợ thành viên về thông tin thị trường, tiếp cận thị trường và kết nối DN.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo