Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu

Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, vấn đề đăng ký thương hiệu và rộng hơn bảo vệ thương hiệu hiện vẫn mới chỉ là ưu tiên của số ít DN Việt.

Ảnh minh họa.

Là một thương hiệu dây cáp điện gần 35 năm tuổi đời, trung bình cứ mỗi tháng 1 lần, Công ty Cổ phần Cơ điện Trần Phú lại phát hiện và phải đi xử lý hàng nhái, hàng giả. Thậm chí phải đầu tư xây dựng riêng một ứng dụng thông minh quét mã vạch để khuyến khích khách hàng hỗ trợ doanh nghiệp làm việc đó.

Với thị trường xuất khẩu, bài toán nguồn lực, chi phí dành cho bảo vệ thương hiệu càng khó hơn, ví dụ như Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, xuất khẩu ống inox và chậu rửa, bồn nước inox, mỗi thị trường đều phải tiêu tốn từ 1.000 - 3.000 USD chỉ để đăng ký logo thương hiệu.

Bảo vệ thương hiệu trong nước đã tốn kém, bảo vệ thương hiệu xuất khẩu càng khó hơn, đặc biệt là đối với các chỉ dẫn địa lý thực phẩm bởi không chỉ thương hiệu của riêng một doanh nghiệp mà còn là rủi ro đánh mất những thương hiệu riêng có của cả quốc gia.

Siết chặt bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam cũng là hướng đi được Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh. Đặc biệt là ngay trong hiệp định thương mại tự do với EU sắp có hiệu lực, 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được đàm phán và đưa vào điều khoản hiệp định.

Tương tự với chương trình Thương hiệu Quốc gia, một thương hiệu dành riêng cho thực phẩm Việt Nam - Food of Vietnam đang được xây dựng, rồi sau đó mở rộng tới từng loại thực phẩm.

Bên cạnh đăng ký bảo hộ thương hiệu, việc kiểm soát, duy trì chất lượng sản phẩm của từng ngành hàng cũng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ thương hiệu, để tránh trường hợp những con sâu làm rầu nồi canh.

Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo