Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt vươn lên trở thành “mắt xích” trong chuỗi cung ứng

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để có thể thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Thương chiến Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng việc áp thuế bổ sung hàng hóa nhập khẩu của nhau. Điều này đang làm dấy lên sự lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế có nguy cơ diễn ra trên toàn cầu. Trong khi Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác lớn trong quan hệ thương mại của Việt Nam, diễn biến của cuộc thương chiến này đang là vấn đề hết sức quan tâm của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Thực tế trong những năm qua, Mỹ luôn là đối tác hàng đầu trong xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì thế, khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn hoặc niềm tin tiêu dùng của người Mỹ giảm đi, khả năng xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường rất lớn trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào của Việt Nam. Nhiều mặt hàng có nguyên nhiên vật liệu, thiết bị công nghệ cũng như linh phụ kiện chủ yếu do Trung Quốc cung cấp, có những mặt hàng tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 70 - 80%. Nên khi Trung Quốc gặp khó khăn sẽ kéo theo nhiều tác động bất lợi cho DN Việt Nam.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Ảnh: NVCC)

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính (Ảnh: NVCC)

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, mặc dù Việt Nam có thể điều chỉnh chỉ tiêu, định hướng nhưng sự ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Điều dễ thấy nhất là khi thương chiến Mỹ - Trung gia tăng, sẽ tác động đến tăng trưởng sản xuất cũng như xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu (xuất khẩu chiếm 200% GDP).

Đầu vào đầu ra đều gặp khó

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, diễn biến mới của thương chiến Mỹ - Trung sẽ gây ra nguy cơ cho các DN Việt Nam. Ở chiều nhập khẩu, khi hàng hóa của Trung Quốc sản xuất ra nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ hoặc xuất khẩu sang Mỹ và các quốc gia khác, họ sẽ tìm cách đẩy hàng hóa sang các nước láng giềng với giá rẻ trong đó có Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho các DN sản xuất trong nước khi gặp phải sự cạnh tranh không cân sức ngay trên sân nhà.

“Hàng hóa Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam tạo ra nguy cơ về gian lận thương mại, gây nguy hiểm cho hàng hóa sản xuất trong nước, làm giảm chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm cũng như DN Việt Nam. Khi DN Việt Nam mất uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế sẽ dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

 

Ở chiều xuất khẩu, ngay từ đầu năm 2019 sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc nhập khẩu từ Việt Nam và các nước thay thế, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng lên nhanh chóng, thậm chí có một số mặt hàng có mức tăng trưởng từ 30 - 40% nhưng hiện tượng này cũng cần hết sức cẩn trọng.

Bởi 1 trong 3 tiêu chí để Mỹ xếp một quốc gia vào diện thao túng tiền tệ là có thặng dư cán cân thương mại. Nên khi Việt Nam đang có thặng dư thương mại hàng đầu với Mỹ từ 40 tỷ USD trở lên họ sẽ phải xem xét nên đây là điều Việt Nam cần suy tính.

Điều đáng lưu ý theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh là khi xuất khẩu sang Mỹ ở một số ngành hàng tăng lên thì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng lên. Các DN của Việt Nam cũng như các DN FDI lại chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ kiện từ Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam mượn xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác.

“Điều này làm cho giá trị gia tăng của Việt Nam ít đi và sự thụ hưởng của nền kinh tế sẽ là không đáng kể. Nhưng nếu phía Mỹ kiểm tra và phát hiện ra đó chỉ là hàng hóa đội lốt xuất xứ thì họ sẽ ứng xử một cách rất nghiêm khắc như đối với mặt hàng thép vừa qua. Đây là bài học cần hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ trở nên phức tạp và thậm chí Mỹ cũng có thể sẽ tuyên bố chiến tranh thương mại với Việt Nam”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

“Cơ hội ngàn vàng” cho doanh nghiệp

 

Mặc dù nhận định có nhiều nguy cơ tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam từ thương chiến Mỹ - Trung, song PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng phân tích khả năng Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để có thể thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh.

Bởi khi thương chiến leo thang cùng các chính sách đầu tư thay đổi, các DN Mỹ sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc kéo theo hàng loạt chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các công ty Mỹ cũng như các công ty đa quốc gia bị phá vỡ. Đây sẽ là thời điểm các tập đoàn này phải tái cấu trúc lại các dây chuyền sản xuất, họ sẽ rất cần những nhân tố mới để thay thế cho Trung Quốc trong việc đáp ứng linh phụ kiện trong chuỗi sản xuất hàng hóa và chuỗi giá trị. Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam vươn lên trở thành một bộ phận trong chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia nói chung và của các công ty Mỹ nói riêng.

“Nếu tranh thủ được làn sóng dịch chuyển đầu tư của Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam, các DN trong nước có thể tận dụng được cơ hội về vốn từ các ngân hàng Mỹ; tận dụng được công nghệ cao, trình độ kĩ thuật giỏi mà DN Việt Nam đang rất cần. Khi Mỹ mong muốn có DN thay thế các DN Trung Quốc, họ sẵn sàng cung cấp vốn, công nghệ và sẵn sàng đào tạo công nhân kỹ thuật cao, giúp Việt Nam hình thành nên mắt xích mới trong chuỗi cung ứng của họ”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

thuong chien my - trung: co hoi cho doanh nghiep viet vao chuoi gia tri hinh 2
DN trong nước cần áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động để tăng khả năng cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Cơ hội này còn hướng đến một mục tiêu lớn hơn, đó là khi thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, các DN có công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động sẽ tập trung cao hơn vào đầu tư sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giảm sản xuất hàng phẩm cấp thấp và trung bình. Khi Việt Nam sản xuất hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn quốc tế, hàng hóa sẽ dễ dàng tiếp cận vào chuỗi cung ứng toàn cầu, được hưởng các ưu đãi từ các quốc gia đã kí kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

“Khi thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh còn làm tăng khả năng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Mỹ, Việt Nam tránh bị thăng dư quá lớn (trên 40 tỷ USD)để không bị theo dõi nghiêm ngặt về thao túng tiền tệ. Đồng thời, khi Việt Nam giảm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ít năng nề và trầm trọng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

 

Tuy nhiên theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để có thể tận dụng được cơ hội ngàn vàng này, Việt Nam cần phải có một “cuộc cách mạng” bằng việc chuyển hóa về chiến lược từ sự nhận thức, quyết tâm thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN Việt Nam. Dù điều này cần phải có nhiều thời gian, nhưng nếu không quyết tâm và không bắt đầu ngay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm