Hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng Tháp: Doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo mô hình “4 tại chỗ”

DNVN - Ngày 18/8, theo UBND tỉnh Đồng Tháp, Cơ quan này vừa ký ban hành Phương án tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh theo mô hình “4 tại chỗ” - Sản xuất, làm việc tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ, y tế tại chỗ.

An Giang: Quân đội hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ nông, thủy sản / Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Phương án này nhằm thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và có phương án ứng phó trong mọi tình huống phát sinh dịch bệnh tại doanh nghiệp. Tăng cường việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm mục tiêu ngăn chặn, không để dịch tiếp tục lan rộng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”.

Đối với sản xuất, làm việc tại chỗ, doanh nghiệp phải bảo đảm số lượng lao động đã đăng ký ban đầu. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu bố trí lao động thay thế, đổi ca làm việc (áp dụng đối với người lao động ra khỏi nơi lưu trú tập trung, nơi lưu trú dã chiến), thực hiện theo đúng quy định hiện hành có liên quan về phòng, chống dịch COVID-19.

Y tế tại chỗ, doanh nghiệp phải có phương án thực hiện y tế tại đơn vị. Đồng thời, thành lập bộ phận y tế trực tại doanh nghiệp để thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đối người người lao động. Báo cáo kết quả các lần xét nghiệm định kỳ theo quy định về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh và Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, nhà xưởng sản hoạt động để theo dõi.

Đối với các doanh nghiệp có đủ năng lực về cán bộ, thiết bị y tế,... báo cáo cơ quan y tế địa phương thẩm định để thực hiện. Đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện, có thể liên kết hoặc ký hợp đồng với Trung tâm y tế địa phương, bệnh viện hoặc cơ sở y tế tư nhân có đủ năng lực để tổ chức thực hiện.

Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phải thực hiện theo mô hình “4 tại chỗ” bảo đảm 5 tiêu chí: Phải xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị và xây dựng phương án thực hiện “4 tại chỗ” tại đơn vị; Ký cam kết phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp với UBND huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, nhà xưởng sản xuất hoạt động trên địa bàn; Cập nhật thông tin Bản đồ sống chung an toàn với COVID-19 thường xuyên theo đúng quy định; Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại công ty cho người lao động theo đúng quy định; Thực hiện tốt việc phối hợp, cung cấp thông tin và báo cáo nhanh hàng ngày (trước 15h30) cho UBND huyện, thành phố nơi doanh nghiệp có nhà máy, nhà xưởng sản xuất hoạt động trên địa bàn để nắm, có ý kiến chỉ đạo khi cần thiết.

Các doanh nghiệp phải thực hiện “4 tại chỗ”.
Riêng trên địa bàn TP Sa Đéc, chỉ cho phép các doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoàn chỉnh phương án sản xuất đáp ứng các tiêu chí “4 tại chỗ”, trình UBND huyện, thành phố thẩm định, phê duyệt để tiếp tục hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại chờ đến khi có thông báo mới từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Tháp.

Đối với doanh nghiệp đã và đang hoạt động “3 tại chỗ”: Hoàn chỉnh phương án sản xuất theo mô hình “4 tại chỗ” trình UBND huyện, thành phố phê duyệt theo quy định để bảo đảm điều kiện tiếp tục hoạt động.

Đối với doanh nghiệp đã và đang tạm ngưng hoạt động: Xây dựng phương án sản xuất theo mô hình “4 tại chỗ”, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt và kiểm tra thực tế trước khi cho phép hoạt động trở lại, bảo đảm thực hiện đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tỉnh và các quy định hiện hành về phòng, chống dịch COVID-19 có liên quan.

Đối với những doanh nghiệp đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng có lao động bị nhiễm F0, F1 và đang bị phong tỏa: Nếu hết thời gian phong tỏa, xây dựng phương án sản xuất theo mô hình “4 tại chỗ”, trình UBND huyện, thành phố phê duyệt và kiểm tra thực tế trước khi cho phép hoạt động trở lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện mô hình “4 tại chỗ”, nhất là “y tế tại chỗ”, bảo đảm thực hiện đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Tỉnh và các quy định hiện hành có liên quan về phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp danh sách, hướng dẫn đăng ký và giám sát việc các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”.

Tính Lập
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm