Hỗ trợ doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh: Phương án sản xuất "4 xanh", khó nhất là việc công nhân có qua được chốt hay không?

DNVN - Để giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất an toàn trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài phương án “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 địa điểm” TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra thêm các phương án “3 tại chỗ theo kíp” và “4 xanh” để doanh nghiệp chủ động lựa chọn.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp “3 tại chỗ” thiếu nguồn cung thực phẩm cho “7 ngày ở yên” / Quảng Bình cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong vừa yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án. Cụ thể:

Với phương án 1, sẽ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).

Phương án 2, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện phương án "một cung đường 2 điểm đến" hoặc phương án "một cung đường, 2 điểm đến" mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc.

Phương án 3,doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh. Trong đó, "người lao động xanh" được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh".

"Không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao trong các khung giờ phù hợp", UBND thành phố yêu cầu.

Phương án 4, doanh nghiệp có thể kết hợp phương thức tại các phương án nêu trên.

Công ty 3D Hub Global dựng mái rạp ngoài trời để tổ chức cho công nhân ăn uống khi thực hiện “3 tại chỗ”.

Công ty 3D Hub Global (quận Tân Phú) dựng mái rạp ngoài trời để tổ chức cho công nhân ăn uống khi thực hiện “3 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, 4 phương án được đưa ra nói trên nhằm mục tiêu duy trì, ổn định hoạt động sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỷ lệ 5-10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch.

Liên quan đến các phương án mà UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra, rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ rất đồng tình và ủng hộ. Đây sẽ là vấn đề quan trọng trong giải quyết đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian hiện nay.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đôc Công ty May mặc Thảo Minh (quận Bình Tân), cho biết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên do quy định đưa ra và áp dụng trong thời gian quá gấp nên doanh nghiệp không thể xoay sở kịp nên đành tạm ngưng hoạt động để chờ nghe ngóng thông tin mới.

Do ngưng hoạt động nên đơn hàng của những đối tác mới liên tục bị huỷ. Đối với những đối tác làm ăn lâu dài thì ban lãnh đạo công ty xin dời sang thời điểm sau dịch. Dù không hoạt động nhưng lãi ngân hàng vẫn phải đóng thường xuyên. Vừa qua, sau khi nghe chính quyền TP Hồ Chí Minh đưa ra 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp lựa chọn, đặc biệt có phương án mới đó là người lao động của doanh nghiệp sẽ được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa "nơi làm việc xanh" và "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh”, đây sẽ là những phương án tối ưu, có thể giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại.

“Với phương án “4 xanh”, trong hôm nay và những ngày sắp tới doanh nghiệp chúng tôi sẽ cho người làm lại cơ sở vật chất phòng chống dịch để đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn khi doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại. Và sau đó, doanh nghiệp sẽ tổ chức, hướng dẫn cho người lao động ở những vùng xanh không có dịch di chuyển từ nhà đến cơ sở trên những cung đường xanh và yêu cầu không dừng đỗ dọc đường, không di chuyển qua những khu vực đang có nguy cơ lây nhiễm cao”, ông Vinh nói.

Tuy nhiên, để làm được phương án “4 xanh” này thì chính quyền TP Hồ Chí Minh cần phải có hướng dẫn thật kỹ về tiêu chí này, từ đó doanh nghiệp sẽ chuyển sang hoạt động trong thời gian giãn cách sắp tới.

“TP Hồ Chí Minh cần thống nhất chủ trương phương án này đến từng địa phương trên địa bàn thành phố, vì hiện nay khó khăn nhất chính là nằm ở các chốt kiểm soát giữa các địa bàn. Dù doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện “4 xanh” nhưng công nhân có qua được các chốt, trạm kiểm dịch tại phường, quận hay không mới là quan trọng? Chưa kể hiện nay, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh nhưng nhà máy đặt ở Bình Dương, Đồng Nai hay Long An hoặc nhà máy ở TP Hồ Chí Minh giáp ranh những tỉnh trên nên người lao động có thể đang cư trú ở các tỉnh. Do vậy, việc công nhận “cung đường xanh” giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho doanh nghiệp”, ông Vinh cho hay.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm