Hỗ trợ doanh nghiệp

Đừng để chủ doanh nghiệp phải chạy theo người lao động

DNVN - Cần sửa đổi Bộ Luật Lao động để tạo sự bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thực tế trên thị trường lao động hiện nay, doanh nghiệp đang chạy theo người lao động khi người lao động tự do nghỉ việc và chủ doanh nghiệp không thương lượng được...

Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ / "Mặc áo" cho xoài xuất khẩu

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và trình Chính phủ trong tháng 5/2019. Đây là một Bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới.
Tại Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ Luật lao động từ cộng đồng doanh nghiệp” tổ chức vào sáng 14/5, Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội cho biết: Dự thảo gồm 17 chương, 221 điều: giảm 21 điều so với hiện hành; sửa đổi, bổ sung khoảng 170 điều trong tất cả các chương; sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu (Bộ luật Lao động hiện hành gồm 17 Chương và 242 Điều).

Bộ luật Lao động lần này sẽ được sửa đổi cơ bản, toàn diện nhằm giải quyết 10 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và giải quyết một số chính sách mới, quan trọng trong quá trình soạn thảo, gồm: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau 6 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Đáp ứng yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại mà Việt nam đã phê chuẩn, tham gia (CPTPP, EVFTA).
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, dự thảo gồm 8 nội dung cơ bản, đó là: Mở rộng khung thoả thuận về thời giờ làm thêm; Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Chính sách tiền lương, tiền lương tối thiểu; Về tổ chức lao động của người lao động tại DN; Đổi mới tổ chức, hoạt động mở rộng phạm vi áp dụng, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động nhằm góp phần phòng ngừa "đình công tự phát", xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp; Tăng cường năng lực hoạt động của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc bằng việc bổ sung thẩm quyền của cơ quan thanh tra lao động; Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch; Bổ sung ngày nghỉ: Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7; Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Liên quan tới nội dung thời gian nghỉ Tết Âm lịch, tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp nhất trí giữ nguyên quy định như hiện nay. Tức là người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Về nội dung thời gian thử việc, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu: Theo điểm 6 Điều 25 của Dự thảo, sau thời gian thử việc 06 ngày đối với lao động phổ thông thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12-36 tháng và phải tham gia các bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Nam, trong thực tế, lao động này thường bỏ việc trong thời gian dưới 3 tháng đầu khi vào làm việc vì chưa quen môi trường làm việc, nên gây thiệt hại cho DN. Mặt khác, đối với nhiều đối tượng lao động phổ thông, thời gian thử việc 6 ngày là quá ngắn, nhiều khi DN đào tạo 1 lần mà người lao động vẫn chưa thực hiện được đúng công việc được giao dẫn đến phải đào tạo lại nhiều lần.
Do đó, đại diện VASEP đề nghị sửa lại là: "Thời gian thử việc không quá 15 ngày làm việc đối với công việc khác". Đồng thời đề nghị Dự thảo quy định theo hướng tất cả lao động phổ thông khi vào làm cho DN thời gian ổn định đủ 3 tháng, thì chủ DN mới phải tham gia các bảo hiểm bắt buộc cho người lao động hoặc nếu quy định như cũ thì thời gian người lao động nghỉ việc dưới 3 tháng thì cơ quan BHXH phải chi trả số tiền mà DN đã đóng 32,5% để DN lấy lao động khác vào thực hiện tiếp theo quy định.
Nội dung này cũng nhận được sự góp ý của bà Đào Thị Thu Huyền, chuyên viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV).
Theo bà Huyền, bộ luật này cần sửa đổi để tạo sự bình đẳng giữa người sử dụng lao động (SDLĐ) và người lao động (NLĐ). Hiện nay, nếu xét về tình hình thực tế trên thị trường lao động, DN đang chạy theo người lao động khi NLĐ tự do nghỉ việc và người SDLĐ không thương lượng được.
"So với tất cả các nước nếu chúng ta xét về bản chất vấn đề muốn phát triển thì người chủ SDLĐ phải có quyền ngang với NLĐ. Khi đó mới kích thích NLĐ trau dồi khả năng của mình, cạnh tranh và phát triển bản thân để tồn tại. Đây là quy luật phát triển. Còn hiện nay theo bộ luật LĐ vô hình chung làm cho NLĐ có sức ỳ lớn. Bởi vì DN không thể đuổi việc được NLĐ khi họ đã qua 2 lần hợp đồng và thậm chí bây giờ là 1 lần vì ký hợp đồng không xác định thời hạn", bà Huyền phân tích.
Bà Huyền cho rằng, nếu NLĐ cứ được bao bọc như vậy thì khả năng phát huy đóng góp cho DN và XH sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, UVBCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: với đặc thù là một trong những ngành thu hút nhiều lao động và ngoại hối nhất tại Việt Nam, hiệp hội tán thành việc đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong một số trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm và tán thành việc Chính phủ sẽ quy định chi tiết thực hiện việc này trong một Nghị định.
Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) phát biểu rằng, việc phân loại mức trần 200 giờ/năm đối với DN bình thường và 400 giờ đối với ngành nghề đặc biệt có thể tạo ra sự so sánh và phân biệt đối xử nào đó.
"Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam là nâng trần lên 300 giờ, và trong một số trường hợp đặc biệt là 400. Việc nâng lên mức 300 - 400 giờ là phù hợp với thực tiễn", đại diện Amcham nói thêm.
Tuy nhiên, Amcham đề xuất, quy định nâng mức làm thêm giờ lên 400 giờ/năm đối với các DN đặc biệt hay những ngành nghề đặc biệt chỉ nên là thủ tục thông báo, chứ đừng là thủ tục đăng ký hay phê duyệt, sẽ tạo ra hệ lụy về thủ tục hành chính và mất đi cơ hội kinh doanh của DN.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm