EU triển khai kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn CEAP: Thách thức lớn với doanh nghiệp Việt
Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm CSKH Tổng công ty Điện lực miền Nam / Đạt Lạt chỉ có 7 homestay đủ điều kiện kinh doanh
Thách thức từ CEAP
Gần đây, EU liên tục có các chính sách, quy định mới nghiêm ngặt liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) như một phần của Chiến lược Thỏa thuận xanh châu Âu.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), CEAP bao gồm các quy định khắt khe như Quy định ISPR về thiết kế sinh thái và sản phẩm bền vững, đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. CEAP sẽ có tác động đến bảy nhóm lĩnh vực chính, trong đó có thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, pin, bao bì, nhựa, dệt may, da giày.
Trong ISPR, các quy định như hạn chế tiêu hủy sản phẩm dệt may hay áp dụng hộ chiếu kỹ thuật số (DPP) đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất và quản lý.
Các quy định của EU trong CEAP sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam. Những sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ không thể thông quan vào EU.
"Để đáp ứng được những quy định đó, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư sản xuất, sẽ phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý. Chi phí đầu tư tăng cũng có thể khiến chi phí, giá thành sản phẩm sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh. Phải khẳng định đây sẽ là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may, da giày...", ông Hưng nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, nhận định, hơn 45% nguyên liệu hiện tại nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia không có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với EU – khiến các sản phẩm khó đạt chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.
Chi phí chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn CEAP cũng là một rào cản lớn. Nguồn tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh hay chuyển đổi hệ thống xử lý chất thải.
Dù thách thức lớn, nhưng theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEAP cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng ưu tiên các sản phẩm bền vững. Nếu doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, họ có thể tiếp cận những phân khúc khách hàng mới và gia tăng giá trị thương hiệu.
Thực tế, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi. Tổng công ty May Hưng Yên đã chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi điện, triển khai điện mặt trời áp mái cho nhà xưởng, giúp giảm ô nhiễm và tiết kiệm chi phí điện từ 15-20%.
Theo TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm và giảm thiểu chất thải, mang lại hiệu quả sản xuất tốt hơn.
Hiện Bộ TN&MT đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn cho quốc gia. Hi vọng kế hoạch này sẽ sớm được ban hành, tạo nền tảng tốt để các bộ, ngành, các địa phương hướng đến thực hiện những giải pháp kinh tế tuần hoàn và các doanh nghiệp cũng có cơ sở pháp lý vững chắc trong triển khai.
Cần giải quyết bài toán nguyên liệu tại chỗ
Để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội từ CEAP, theo ông Đỗ Hữu Hưng, việc doanh nghiệp có sự chuyển đổi tích cực và đạt được những tiêu chuẩn của EU sẽ mở ra những cơ hội rất lớn trong việc thâm nhập thị trường, tiếp cận những tệp khách hàng mới. Các doanh nghiệp cần phải tự trang bị cho mình những thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên cập nhật những thông tin quy định chính sách của EU.
Trong thời gian tới, ngoài EU, nhiều thị trường khác cũng sẽ xây dựng những chính sách phát triển bền vững của riêng mình. Ví dụ như Mỹ, Canada, Nhật Bản hay một số các thị trường khác cũng sẽ có những chính sách riêng.
"Vì vậy, để thâm nhập được thị trường thì các doanh nghiệp cần phải có một chiến lược cụ thể, chi tiết. Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương hay Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể đưa ra những khuyến nghị chung, chính sách chung, chiến lược chung. Chỉ các doanh nghiệp mới hiểu được họ có những năng lực sản xuất như thế nào, họ có những nhóm sản phẩm gì, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường bây giờ hay không?", ông Hưng nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên kiến nghị Nhà nước giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu tại chỗ. Để xuất khẩu được vào châu Âu, đáp ứng được chứng nhận xuất xứ thì không có con đường nào khác phải có nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Ngoài ra, cần có các khu công nghiệp lớn Nhà nước đầu tư khâu xử lý nước thải để thu hút nhà đầu tư sản xuất, tận dụng ưu đãi của EVFTA và đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường. Ngành dệt may đang muốn đề xuất với Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có những vùng, các khu công nghiệp lớn, Nhà nước đứng ra đầu tư vào khâu xử lý nước thải. Từ đó doanh nghiệp sẵn sàng nguồn nguyên liệu, tận dụng được EVFTA để có thể hưởng được thuế suất bằng 0.
Ông Dương cũng kiến nghị Nhà nước hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với lãi suất hợp lý. Doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, sử dụng robot thay thế người lao động trong các khâu đơn giản. Theo đó, ngành dệ may Việt Nam có thể giữ vững được vị thế thứ hai và còn có thể vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khai phá tiềm năng hợp tác Việt - Mỹ bằng sức mạnh doanh nghiệp
Cơ hội đặc biệt dành cho các doanh nhân, start-up tại hội thảo Định cư Mỹ, Canada cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Tăng cường hợp tác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
EU triển khai kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn CEAP: Thách thức lớn với doanh nghiệp Việt