EVN cải cách rất quyết liệt về tiếp cận điện năng
(DNVN) - Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoạt động cải cách về tiếp cận điện năng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất chủ động và quyết liệt.
Nghệ thuật tiếp thị tới doanh nghiệp qua 'thư nguội' / Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng ý ký kết hợp tác với Google hỗ trợ kinh doanh trực tuyến
Ông Đậu Anh Tuấn đưa ra khẳng định trên tại Hội thảo "Công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp" được tổ chức vào ngày 20/11, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, qua khảo sát của VCCI, nhìn chung các doanh nghiệp đều nhận thấy môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương.
Kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh về các lĩnh vực khác nhau của Nghị quyết 19 cho thấy, hai lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu, vấn đề tiếp cận điện năng là một trong 2 lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong Nghị quyết 19. Theo đó, thủ tục và thời gian đấu nối điện có cải thiện đáng kể, từ 6 bước, 115 ngày xuống 4 bước, 31 ngày.
Hạ tầng ngành điện được đánh giá là tốt thứ hai của Việt Nam chỉ sau hạ tầng mạng điện thoại. Nhờ đó độ ổn định điện năng tăng đáng kể, mất điện giảm cả số lần và thời gian. Năm 2012 mất điện trung bình 8.000 phút/khách hàng, nay chỉ còn 235 phút/khách hàng.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, bài học thành công của EVN là trong vòng 5 năm qua, EVN đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ công nhân viên ngành điện và sự phối hợp rất tích cực của các tỉnh, thành phố trong công tác triển khai tiếp cận điện năng.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại Hội thảo do VCCI tổ chức sáng 20/11. (Ảnh: EVN)
Với mục tiêu cung cấp dịch vụ điện năng ngày một tốt hơn, hoàn hảo hơn và văn minh hơn, ngoài việc thay đổi quy trình nội bộ, thay đổi nhận thức của cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn, EVN còn đề xuất các bộ, ngành cắt giảm các thủ tục hành chính, đề nghị với ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp với EVN để triển khai việc kết nối liên thông cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ông Lâm khẳng định, trong bối cảnh các dự án nguồn lưới điện mới đưa vào không có nên từ năm 2019 trở đi sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại khu vực miền Nam.
Đây là lý do khiến lãnh đạo EVN bày tỏ mong muốn các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng Hiệp hội và người dân chia sẻ với EVN về sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, làm sao sử dụng các thiết bị điện đại, không tiêu thụ nhiều điện và đặc biệt sử dụng thiết bị điện tiết kiệm điện.
Theo EVN, hiện còn khoảng 4-5 triệu bóng đèn tròn sợi đốt – loại bóng đèn rất tốn năng lượng. Do vậy, lãnh đạo EVN đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cấm toàn bộ việc sản xuất, lưu thông tiêu dùng điện bóng đèn tròn bởi mức độ tiêu thụ điện của loại bóng đèn sợi đốt gấp 20 lần so với đèn led.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo